NATO cố níu lòng Mỹ

Giới chức NATO họp bàn rời ngày Hội nghị vì Ngoại trưởng Mỹ bận tiếp Trung Quốc.

NATO cố níu lòng Mỹ

Reuters dẫn lời giới chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, Ngoại trưởng các nước thành viên đang tìm phương án dời ngày diễn ra cuộc họp cấp Ngoại trưởng nhằm tạo điều kiện để Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có mặt tại sự kiện này.

Ngoại trưởng các nước NATO đã đưa ra phương án dời ngày họp về ngày 31/3 tới thay vì ngày 5 và 6/4, 3 quan chức ngoại giao đã cho biết điều này.

NATO co niu long My - Anh 1

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson định gặp Chủ tịch Trung Quốc và hủy họp với Ngoại trưởng NATO.

Việc dời ngày họp hoàn toàn liên quan đến lịch trình kín mít của Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt lịch họp thường niên cấp Ngoại trưởng của NATO được diễn ra đúng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Mỹ (ngày 6 - 7/4).

Bởi đây là cuộc họp đầu tiên của khối đồng minh quân sự mà ông Rex Tillerson sẽ tham dự ở cấp Ngoại trưởng nên NATO thực sự muốn ông có mặt.

Trước đó, khối đồng minh "nháo nhào" với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng ông Tillerson sẽ bỏ lỡ cuộc họp này để tham gia cùng Tổng thống Donald Trump đón tiếp ông Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tom Shannon sẽ là người thay thế ông Tillerson tham gia cuộc họp trên với các ngoại trưởng của NATO.

Tuy nhiên, các nước thành viên NATO cũng sớm thở phào bởi Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết cuộc họp tại Brussels đã được đẩy sớm lên và sẽ ông Tillerson sẽ tới Brussels để họp với các quan chức NATO vào tuần tới sau khi có chuyến thăm chớp nhoáng tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi hiện đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp của các ngoại trưởng NATO vào ngày 31/3”, một quan chức NATO cho hay. “Các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa các đồng minh”.

Kế hoạch trước đó về việc bỏ cuộc họp ở Brussels đã làm gia tăng những lo ngại xuất phát từ việc Tổng thống Trump chê NATO là “lỗi thời” trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Ông Trump kể từ đó đã tuyên bố vẫn ủng hộ mạnh mẽ liên minh, nhưng trong các cuộc phỏng vấn và các bài phát biểu, ông tiếp tục chỉ trích điều mà ông xem là sự thất bại của châu Âu nhằm đóng góp công bằng trong việc bảo vệ phương Tây.

Thực tế, sự lo lắng của châu Âu trong việc Ngoại trưởng Mỹ vốn là đại diện cho quốc gia đứng đầu liên minh- lại không tham gia dự họp quả là một rắc rối lớn. Trong khi sự lớn mạnh của khối quân sự bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm, gây sự chú ý với chính quyền ông Donald Trump với các vấn đề kinh tế.

Sự xoay trục chưa rõ ràng của ông Donald Trump như "tung hỏa mù" cho giới chức phương Tây khiến lo ngại về tương lai tan vỡ khối liên hiệp quân sự này càng gia tăng.

Lấy lòng bằng tập trận và tăng đóng góp vào NATO?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước đã kêu gọi các nước trong khối hãy tăng ngân sách chi cho quốc phòng nếu muốn duy trì quan hệ quân sự xuyên bờ Đại Tây Dương bền vững với Mỹ.

“Đây là điều thiết yếu để duy trì mối quan hệ chặt chẽ và vững mạnh với Mỹ, vốn là nền tảng xây dựng liên minh quân sự của chúng ta”, ông Jens Stoltenberg nói.

NATO co niu long My - Anh 2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi đóng góp vào NATO.

Theo Tổng thư ký NATO, sự hợp tác "độc nhất vô nhị" giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong gần 70 năm qua đã đảm bảo cho hòa bình và thịnh vượng của cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Tuy vậy, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Đó là thành tựu mà chúng ta không bao giờ được phép xem là điều dĩ nhiên”.

Chỉ có 4 thành viên châu Âu gồm Estonia, Hy Lạp, Ba Lan và Anh chi đến mức 2% GDP cho quân sự trong năm ngoái.

Ở khía cạnh khác, nền kinh tế Mỹ chiếm chưa đầy phân nửa số liệu kinh tế tổng cộng của tất cả thành viên NATO, nhưng Mỹ góp gần 70% cho ngân sách quốc phòng của cả khối.

Về mặt tổng thể, chi tiêu quốc phòng năm 2016 của NATO tăng 3,8% so với năm trước đó, tương đương 10 tỉ USD.

Bên cạnh việc kêu gọi tăng ngân sách đóng góp, NATO cũng triển khai các đợt tập trận, điều quân nhằm tăng khả năng tác chiến, đối diện nguy hiểm và cảnh báo khẩn cấp ở Đông Âu.

NATO co niu long My - Anh 3

Nhiều binh lính NATO sẽ được triển khai đến các nước Đông Âu

Đêm 17/3, 130 binh lính Anh từ căn cứ không quân Brize Norton đã đến với căn cứ không quân Amari, gần Tallin (Estonia), gia nhập lực lượng 80 quân nhân Anh đã được triển khai từ trước đó để chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Trong một vài tuần tới, thêm binh lính Anh sẽ xuất hiện, cùng với đó là 1.200 binh lính Pháp và nhiều thiết bị quân sự, máy bay không người lái do thám.

Nhóm tác chiến của NATO ở Estonia sẽ đóng quân tại Tapa. Anh sẽ đóng góp tổng cộng 800 lính tại đây và hoạt động phối hợp với lữ đoàn 1 của quân đội Estonia.

Lực lượng của NATO ở Estonia chỉ là một trong 4 nhóm tác chiến đa quốc gia mà NATO đang có kế hoạch xây dựng ở cả Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, việc triển khai này nhằm mục tiêu bảo vệ đồng minh trước Nga và củng cố cam kết về tự vệ tập thể. Ngoài việc vươn lực lượng ra khắp Đông Âu, NATO cũng sẽ xuất hiện thêm ở biển Đen bằng việc tăng cường tuần tra và tập trận.

Theo Đất Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.