(GD&TĐ) – Bộ não của chúng ta sử dụng giấc ngủ để “rửa sạch” các chất độc hại tạo ra trong suốt một ngày suy nghĩ căng thẳng – các nhà khoa học vừa cho biết.
Giấc ngủ giúp chúng ta làm sạch não |
Một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ tin rằng “hệ thống loại bỏ rác thải” là một trong những lý do để chúng ta ngủ. Nghiên cứu của họ cho thấy các tế bào não co lại khi ngủ để tạo ra các khoảng trống giữa các neuron và cho phép chất lỏng rửa sạch não.
Các nhà khoa học cũng cho rằng nếu không rửa sạch một số protein độc, có thể gây ra rối loạn trong não.
Giấc ngủ đã được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa bộ nhớ trong não và trong việc học tập, nhưng nhóm nghiên cứu tại ĐH Rochester tin rằng “công việc nội trợ” này có thể là một trong những lý do để chúng ta ngủ.
“Não chỉ có năng lượng giới hạn và nó phải chọn 1 trong 2 trạng thái – tỉnh táo và có nhận thức hoặc ngủ và đang làm sạch” – nhà nghiên cứu Maiken Nedergaard cho biết. “Bạn có thể tưởng tượng ra việc mua vui cho khách hoặc dọn dẹp nhà cửa, nhưng bạn thực sự không thể làm 2 việc này cùng một lúc được”.
Hệ thống bơm làm sạch não
Nghiên cứu trên dựa trên một phát hiện vào năm ngoái về mạng lưới các ống bơm - gọi là hệ thống glymphatic, có chức năng mang rác thải ra khỏi não. Các nhà khoa học chụp ảnh não chuột cho thấy hệ thống bơm này hoạt động gấp 10 lần khi con chuột ngủ.
Những tế bào trong não co lại trong khi ngủ để tăng không gian giữa các khe hở, cho phép chất lỏng bơm vào và làm sạch chất độc.
Tiến sĩ Nedergaard cho rằng đây là một chức năng “thiết yếu” nhưng dường như không hoạt động khi não tỉnh táo.
Nhiều yếu tố dẫn đến việc mất tế bào não như bệnh Alzheimer và Parkinson do các protein bị hỏng tích tụ trong não. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế làm sạch não có vấn đề có thể góp phần tạo ra các căn bệnh này, tuy nhiên cũng cần có thêm nghiên cứu về vấn đề này.