Nâng tầm công đoàn cơ sở

GD&TĐ - Việc giải thể Công đoàn Giáo dục (CĐGD) cấp huyện và chuyển CĐ trường học về Liên đoàn Lao động huyện quản lý đòi hỏi có quy chế phối hợp để CĐ trường học phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, thời gian qua, CĐ GD Việt Nam, Công đoàn cơ sở đã ký kết quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành trong cả nước.

Công đoàn Y tế, GD Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Công đoàn Y tế, GD Việt Nam ký kết Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Đảm bảo quyền, lợi ích

Sau khi giải thể Công đoàn Giáo dục cấp huyện, công đoàn trường học chịu sự quản lý của Liên đoàn Lao động các huyện. Tuy có sự thay đổi về mô hình, công tác tổ chức nhưng CĐ trường học vẫn duy trì tốt hoạt động, giữ vai trò quan trọng trong trường học cũng như đảm bảo quyền, lợi ích, bảo vệ nhân phẩm cho cán bộ, nhà giáo và người lao động.

Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, Liên đoàn Lao động các huyện đã thành lập các cụm, khối thi đua theo vùng, theo cấp học. Trong mỗi cụm đều bầu ra cụm trưởng, cụm phó để phụ trách theo dõi, chỉ đạo và phát động thi đua, ký giao ước đầu năm học.

Liên đoàn Lao động các huyện cũng vận động và tạo điều kiện cho các cán bộ, nhà giáo và người lao động được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm, ngoại ngữ, các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý.

Công tác tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ viên, nhà giáo, người lao động được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Do vậy, các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, khuyến khích đăng ký phấn đấu các danh hiệu thi đua, viết sáng kiến kinh nghiệm và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học... vẫn duy trì và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, nhà giáo và người lao động.

Lắng nghe ý kiến từ cơ sở

Việc trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp huyện tạo điều kiện cho những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên được phản ánh trực tiếp lên CĐ cấp trên. Từ đó, các ban, ngành tiếp cận và giải quyết kịp thời.

Để CĐ cơ sở làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, thời gian qua, CĐGD Việt Nam đã ký kết quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành cũng như CĐ ngành.

    Quy chế phối hợp là văn bản quan trọng, cần thiết để hai bên phối hợp chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp ở địa phương thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới, đặc biệt trong điều kiện không còn mô hình CĐGD cấp huyện.

Mới đây, CĐGD Việt Nam phối hợp với CĐ Y tế Việt Nam tổ chức ký Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động 10 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2018 - 2023. Nội dung quy chế đề cập đến việc tạo điều kiện tốt nhất để công đoàn trong các cơ sở giáo dục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam, Quy chế phối hợp nhiệm kỳ 2018 - 2023 có một số điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm theo tinh thần nghị quyết ĐH XII CĐVN.

Tại Lạng Sơn, CĐ ngành GD cũng ký kết quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố giai đoạn 2018 – 2023. Quy chế này góp phần thực hiện tốt điều lệ Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp. Đảm bảo tính thống nhất của tổ chức CĐ, không gây chồng chéo trong chỉ đạo cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đặc biệt là đảm bảo việc thực hiện các phong trào do CĐGD Việt Nam phát động cũng như hoạt động nghề nghề nghiệp đặc thù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ