Ông Mauro Dell’Ambrogio khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia được ưu tiên trong mối quan tâm trọng điểm của Thụy Sĩ tăng cường hợp tác, đầu tư với các nước châu Á, mà Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nền kinh tế mới nổi, phát triển sôi động.
Trong các lĩnh vực, Thụy Sĩ muốn nâng GD&ĐT thành lĩnh vực hợp tác nổi bật. Những năm gần đây, các trường Đại học của hai nước đã có những hoạt động hợp tác rất hiệu quả.
Ông đề xuất hai bên hoạch định được chiến lược hợp tác giáo dục dài hạn và ngắn hạn. Trong chiến lược dài hạn, Thụy Sĩ có thể tạo điều kiện tốt nhất có thể để sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội hơn đến học tập và nghiên cứu tại nước này theo các phương thức gửi sang đào tạo hoặc tự túc kinh phí cũng như các hoạt động hợp tác giáo dục, liên kết đào tạo dài hơi khác.
Trong chiến lược ngắn hạn, Việt Nam và Thụy Sĩ có thể tổ chức các hội thảo chuyên đề về các vấn đề Việt Nam quan tâm mà phía Thụy Sĩ có nhiều kinh nghiệm. Hiện nay hình thức này hai bên cũng đã hoạt động, tuy nhiên không nhiều.
Thứ trưởng Bùi Văn đã hoan nghênh Chính phủ và các trường Đại học Thụy Sĩ đã chọn Việt Nam là quốc gia để nâng cao hoạt động hợp tác GD&ĐT. Đồng thời đề xuất các khả năng hợp tác hai bên có thể xây dựng trong thời gia tới. Gồm:
Hợp tác về Giáo dục chuyên nghiệp ở các lĩnh vực du lịch, khách sạn, tài chính – Ngân hàng;
Hợp tác về Giáo dục Đại học ở các ngành như: Tài chính – Ngân hàng, cơ khí chính xác, năng lượng tái tạo;
Hợp tác trong nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực: Thủy lực, biến đổi khí hậu, giao thông công cộng, công nghệ bảo vệ môi trường;
Hợp tác đào tạo trình độ tiến sĩ cho các trường Đại học của Việt Nam.
Thành lập Trung tâm hợp tác đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam. Đây sẽ Trung tâm đa ngành, hội đủ các ngành, nghề mà các trường Đại học hai bên có quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo.
Đồng thời đề nghị trong các nhóm ngành công nghệ, cơ khí chính xác mà Thụy Sĩ có thế mạnh, đưa các Tập đoàn công nghiệp, các công ty lớn vào hợp tác đầu tư tại Việt Nam để đồng bộ với các trường Đại học Thụy Sĩ có hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo.
Mong muốn này của phía Việt Nam xuất phát từ truyền thống của các trường Đại học của Thụy Sĩ gắn kết với các Công ty, tập đoàn công nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu, cùng nhau phát triển nhân lực và công nghệ.
Truyền thống gắn đào tạo ở các trường Đại học với thực tế sản xuất công nghiệp của Thụy Sĩ đã được cả thế giới công nhận và đánh giá cao.
Tại buổi tiếp, đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã cùng các trường Đại học của Thụy Sĩ là thành viên trong đoàn đã bàn cụ thể hơn về các lĩnh vực mà hai bên quan tâm để xúc tiến các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.