Nâng chất lượng dạy học nghệ thuật: Còn nhiều bất cập

GD&TĐ - Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được dạy và học ở tất cả bậc học. Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy học nghệ thuật còn không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng và xóa bỏ  “tâm lý” môn “phụ”.   

Âm nhạc khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn HS.	 Ảnh: T.G
Âm nhạc khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn HS. Ảnh: T.G

Vẫn học kiểu đối phó

Từ năm 2002, Âm nhạc trở thành môn học bắt buộc với học sinh (HS) bậc TH và THCS. Quá trình thực hiện, môn Âm nhạc đã đóng góp vào thành tựu của nền giáo dục Việt Nam trong việc xây dựng và hình thành nhân cách HS, đáp ứng giáo dục thế hệ trẻ thời kỳ hiện đại, hội nhập...

Từ năm 2013, Đề án đổi mới giáo dục phổ thông ở tất cả các bậc học được xây dựng từ chương trình, nội dung môn học cho tới phương pháp dạy học. Trong đó, môn Âm nhạc cũng được đặt ra rất nhiều vấn đề cần thiết phải đổi mới.

Có thể nói, Âm nhạc thực sự trở thành môn học được nhiều HS yêu thích không chỉ bởi được giải trí, sảng khoái tinh thần sau những giờ học căng thẳng mà còn làm HS năng động, tự tin hơn. Nhiều HS vốn nhút nhát qua rèn luyện kỹ năng âm nhạc đã dám đứng trước đám đông để trình diễn mà không cảm thấy ngại ngùng. Học nhạc cũng giúp nhiều HS biết hát đều, hay hơn, thể hiện sắc thái, tình cảm tốt hơn. Được học các bài dân ca, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống của âm nhạc dân tộc...

Đạt được những thành tựu đó, có công sức của đội ngũ GV âm nhạc. Họ không chỉ chú ý đến việc truyền đạt kiến thức sao cho đúng mà luôn nghĩ ra các phương pháp dạy học để làm sao cuốn hút HS, đưa HS vào thế giới của cái đẹp, những giá trị nhân bản… từ đó giáo dục HS thành người biết sống và làm theo cái đẹp.

Còn nhiều bất cập trong dạy và học âm nhạc. Ảnh: T.G
Còn nhiều bất cập trong dạy và học âm nhạc. Ảnh: T.G

Tuy nhiên bên cạnh điểm mạnh, GV âm nhạc cũng bộc lộ một số hạn chế. PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã chỉ ra: Việc hình thành năng lực âm nhạc cốt lõi cho HS chưa đạt hiệu quả cao. Ở một số trường, đặc biệt trường vùng sâu xa, có không ít GV dạy âm nhạc không được đào tạo chính quy về sư phạm âm nhạc hoặc là những GV dạy môn học khác điều chuyển sang. Vì không được đào tạo bài bản nên không chỉ yếu về chuyên môn mà còn yếu cả về phương pháp dạy.

Mặt khác, vẫn còn không ít quan niệm sai lầm từ cán bộ cấp trường, Sở trong vấn đề sử dụng GV thanh nhạc khi cho rằng học âm nhạc để HS vui vẻ, giải trí và hát là chính, kiến thức khác không quan trọng. Như vậy vô hình trung không chú trọng hình thành năng lực âm nhạc cho HS.

Một thực trạng cũng hết sức lo lắng từ dạy học âm nhạc khi HS có 9 năm học từ TH đến THCS song không ít em vẫn không nhận biết được hoặc nhận biết rất chậm nốt trên bản nhạc của bài Tập đọc nhạc. Nhiều HS thườngphiên tên nốt ra chữ viết tắt của tiếng Việt phía dưới nốt nhạc rồi nhìn vào đó đọc nhạc mà không nhìn bản nhạc.

Nhiều nơi vì điều kiện cơ sở vật chất, trình độ GV không tốt cũng chỉ dạy hát là chính. Các nội dung Tập đọc nhạc, Nhạc lý, Âm nhạc thường thức bị coi nhẹ, thậm chí có nơi bỏ qua. Vì thế, việc hình thành năng lực đọc nhạc, kiến thức âm nhạc cho HS chưa tốt nếu như không nói là ở một số nơi còn kém hiệu quả.

Đơn điệu và truyền thống

Đội ngũ GV thanh nhạc cần được bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy. Ảnh: T.G

Đội ngũ GV thanh nhạc cần được bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy. Ảnh: T.G

Theo đánh giá chung, chương trình giáo dục mỹ thuật năm 2006 là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS trong trường phổ thông. Chương trình thể hiện rõ ưu điểm về sự đồng bộ, khoa học, hệ thống giữa chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên. Các mạch nội dung xây dựng đạt chuẩn kiến thức kĩ năng theo chương trình đặt ra nhằm kiểm định và đánh giá chất lượng dạy học…

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế đã được chỉ ra. Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Sư phạm Mỹ thuật – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - bà Nguyễn Thị May cho rằng: Chương trình chủ yếu đề cập đến lĩnh vực hội họa. SGK mỹ thuật còn nặng về rèn luyện kĩ năng, chưa chú trọng nội dung giáo dục thẩm mĩ và phát triển năng lực cho HS cũng như chưa chú trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Mặt khác, nội dung học tập ở các phân môn đơn điệu, lặp lại, chồng chéo ít mang lại hiệu quả cảm xúc cho người học; sự tích hợp trong môn học và liên môn còn hạn chế. Thời gian quy định của tiết học chưa tương ứng với khối lượng kiến thức quy định. Phân môn Thường thức mỹ thuật là ví dụ tiêu biểu cho lượng kiến thức quá nặng và cao của chương trình phổ thông...

Các nhà chuyên môn và GV trực tiếp dạy học mỹ thuật phổ thông cũng khẳng định việc dạy học mỹ thuật hiện nay còn mang tính truyền thống. Những điều kiện để thực hiện chương trình như đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị phương tiện dạy học... chưa bảo đảm và phù hợp nên chưa tạo ra chất lượng và hiệu quả giáo dục…

Phó Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - Nguyễn Văn Cường thẳng thắn chia sẻ: Hiện nay, việc học mỹ thuật không đi đôi với hành. Còn nặng tính lý thuyết, ít thực hành tạo hiện tượng “lý thuyết suông”. Ít được vận dụng kiến thức lý thuyết vào trong thực hành mỹ thuật làm cho lý thuyết trở nên mù mờ thiếu vững chắc. Các bài học thực hành mỹ thuật ở bậc phổ thông khá hạn chế và đơn điệu, vì vậy khó khuyến khích nỗ lực vận dụng lý thuyết vào bài học thực hành của học sinh.

Theo thầy Cường: Những quan niệm về vẻ đẹp đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chỉ cung cấp cho các em những quan niệm xưa cũ về thẩm mỹ, vậy là HS không sao hiểu nổi cái hay, cái đẹp nằm ở đâu trong những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Các bài học mỹ thuật của HS loanh quanh với những chủ đề nhàm chán theo kiểu “cây đa, bến nước, con đò, cánh đồng, con trâu, rặng tre, cày bừa, tát nước”.

Thầy Cường đưa ra cảnh báo: Điều hạn chế nhất ở giáo dục mỹ thuật phổ thông hiện nay là phương pháp tổ chức hoạt động dạy học của GV. Điều này cản trở phát triển sự độc đáo, triệt tiêu tìm tòi sáng tạo của HS, tạo ra những định kiến không đáng có của các chuẩn mực thẩm mỹ. Đôi khi lệch lạc, chủ quan lại đến từ phía GV. Hệ quả là HS càng học mỹ thuật càng bị nghèo nàn trí tưởng tượng, ý tưởng, mất đi hứng thú, tuy có tăng chút kỹ năng nhưng lại dần mất đi bản năng cảm thụ nghệ thuật…

Dưới góc độ giảng dạy trực tiếp, cô giáo Hồ Thị Kim Oanh – Trường TH Krông Ana, huyện Krông Ana, Đắk Lắk cũng chia sẻ: Một số bậc phụ huynh còn tư tưởng đây là môn học phụ, không quan trọng nên thiếu sự quan tâm mua sắm đồ dùng học tập, sách, tập vẽ, màu… cho HS. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần học tập của các em.

Với HS dân tộc, vốn về các hình ảnh, ngôn ngữ hội họa, màu sắc còn nghèo, đa số các em đều e ngại, rụt rè, không tự tin đứng trước đám đông. Điều đó làm cản trở năng lực giới thiệu ý tưởng sản phẩm, cũng như hạn chế trong nhận xét, đánh giá tác phẩm của bạn, gây ra cảm giác chán nản, không tự tin.

Một số ít HS còn tỏ thái độ thờ ơ với môn học, hoặc ỷ lại cho bạn, ít hợp tác và chưa có trách nhiệm về kết quả học tập do nhóm làm ra; Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học mỹ thuật của nhà trường còn thiếu thốn vì thế ảnh hưởng phần nào đến kết quả giảng dạy - học tập của GV và HS.

Nâng chất lượng cho dạy học nghệ thuật - Từ đâu?

Thầy Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW khẳng định: Để việc dạy và học môn Mỹ thuật trong trường phổ thông đạt hiệu quả cần đổi mới trên nhiều phương diện.

Trước hết cần tích hợp lồng ghép nội dung lý thuyết trong thực hành, thảo luận, kết hợp liên hệ kiến thức, kỹ năng của môn Mỹ thuật với các hoạt động giáo dục khác một cách phù hợp và thiết thực. Cùng đó cần chú trọng dạy học trải nghiệm, vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học và các hình thức tổ chức không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mỹ của HS, tạo cơ hội để HS được vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành, thể nghiệm ý tưởng sáng tạo và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống.

Điều quan trọng không thể thiếu là khai thác, sử dụng một cách hợp lý thiết bị dạy học, mạng Internet, vật liệu sẵn có tại địa phương trong dạy học mỹ thuật… Việc dạy học mỹ thuật ở bậc học phổ thông đang hướng tới mục tiêu bồi dưỡng 3 năng lực thẩm mỹ cho HS gồm: Quan sát và nhận thức thẩm mỹ; sáng tạo ứng dụng thẩm mỹ; phân tích đánh giá thẩm mỹ. Để đạt được mục tiêu đó, GV mỹ thuật cần thể hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động dạy học, bảo đảm là cầu nối đưa học sinh đến với nghệ thuật thẩm mỹ…

Giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW Quách Thị Ngọc An cũng cho rằng: Việc bồi dưỡng kiến thức về mỹ thuật ứng dụng cho GV mỹ thuật ở các trường phổ thông vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học mỹ thuật.

Cụ thể, cần mời chuyên gia trong các chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng phối hợp với ngành GD-ĐT để viết các tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho GV. Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên mỹ thuật về mỹ thuật ứng dụng.

Có thể thiết kế với cơ chế mở để có những lớp liên thông về mỹ thuật ứng dụng dành cho các GV mỹ thuật. Với hình thức này, GV nào thực sự say sưa, muốn tham gia học tập sẽ được học hỏi và thực hành kỹ hơn.

Đồng thời bổ sung thêm hình thức dạy học tương tự như thỉnh giảng ở hệ đại học, các trường phổ thông có thể được phép mời nhà thiết kế về dạy một số bài học có kiến thức mỹ thuật ứng dụng. Hoạt động này sẽ giúp HS hiểu về kiến thức thiết kế một cách chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc, dự giờ và tự học các GV mỹ thuật sẽ học hỏi được thêm, nâng cao trình độ của bản thân, dần dần đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của chuyên gia nhiều lĩnh vực trong ngành Giáo dục để viết lại chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật nhằm kịp thời đào tạo các cử nhân đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình mới.

Với bộ môn Âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhấn mạnh yếu tố đội ngũ GV trong quá trình dạy học. PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai đề nghị GV phải có phương pháp dạy học để hình thành cho HS năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức. Cần loại bỏ ý nghĩ, HS phổ thông không thể đọc nhạc được và cần loại bỏ lạm dụng phương pháp chỉ dùng đàn mẫu, đọc mẫu rồi HS đọc theo. Bởi như vậy sẽ khiến các em không biết phân tích và không hiểu tại sao lại phải đọc nhạc như vậy, dù chỉ với những vấn đề sơ giản nhất. Đặc biệt, với phương pháp đàn mẫu, các học sinh có năng khiếu đã bị tước đi mất khả năng tự học của mình…

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai, điều quan trọng dạy học theo năng lực ở môn Âm nhạc thì cần đổi mới cách viết SGK. SGK viết theo hướng tiếp cận năng lực cần có những bước, những quy trình cho các nội dung hoạt động...

Trong SGK cũng cần chú trọng nội dung thực hành, có thể lược bớt một số nội dung lý thuyết và lý thuyết nên được lồng ghép trong các nội dung thực hành, giúp HS học đến đâu, hiểu và được áp dụng ngay đến đó vào bài hát hay bài đọc nhạc một cách cụ thể. Ngoài ra, số lượng bài hát hay tập đọc nhạc cũng không nên nhiều mà có thể giảm bớt hơn để HS được đi sâu rèn luyện kỹ năng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ