Nâng cao và hạ thấp

GD&TĐ - Em họ tôi vừa ly dị chồng, giành quyền nuôi con. Hỏi sao không cố thêm chút nữa để con có đủ mẹ cha, em cười như mếu, bảo: Mình thì sao cũng được chị ơi, nhưng con em không thể nào lớn lên trong môi trường như thế được!

Nâng cao và hạ thấp

1. Em họ kể: Chồng em vốn hiền, chẳng phải kẻ xấu, cũng không rượu chè trăng hoa gì cho đáng. Chỉ là, nhà chồng có một cái “văn hóa gia đình” mà em không sao hội nhập được. Con cháu mình luôn là nhất, là giỏi, là hay, là “nấm bơ oăn”.

Ngày mới về, em nhờ chồng bưng dùm thau quần áo lên lầu để em phơi, vì em chưa quen với cái cầu thang dốc, mẹ chồng bảo, chưa gì đã sai bảo, sau này không biết còn tới đâu nữa. Em ngạc nhiên khi mẹ chồng không muốn con mình phải đụng tay vào việc gì.

Người giúp việc được thuê về với lý lẽ “thời này ở thành phố nhà ai chẳng thế”. Có ôsin trong nhà, nhưng họ vẫn đi tiệm thường xuyên, vì “thời buổi này còn túm tụm ăn cơm, quê chết”. Tiền bạc eo hẹp, nhưng sinh nhật, lễ lạc là phải hoành tráng. Mấy cô con dâu răm rắp nhìn nhau mà quà cáp “báo hiếu”, kẻo chồng mình không vừa lòng…

Công nhận mẹ chồng em có phước, ba cậu con trai thì ai cũng coi mẹ là số một. Cái gì cũng phải hỏi ý mẹ. Chồng em đi làm, bức xúc vì bị “xử ép”, về kể lu loa là mẹ chồng tuyên bố một câu “Nghỉ, nghỉ ngay và luôn, ở nhà mẹ nuôi, không cần thiết phải luồn cúi chịu nhục như vậy”.

Lúc xích mích với đồng nghiệp, mẹ và các chị chồng đồng loạt bảo, những kẻ đó xấu chơi, đố kỵ, thấy chồng em giỏi nên ganh ghét đấy mà. Cậu em chồng bỏ việc hơn sáu tháng, vợ vừa nhắc đến chuyện tìm việc, là mẹ chồng phán luôn, để cho nó nghỉ ngơi xả hơi ít bữa, một người đi làm cũng được mà, nuôi chồng mới có bấy nhiêu mà đã vội tỏ vẻ thật sao? Ngày xưa, mẹ nuôi tụi nó vất vả trăm bề, giờ mới có mấy đứa con giỏi giang xuất sắc như vậy. Lo gì, tới lúc muốn đi làm, cũng thiếu gì chỗ cần người tài.

Em bảo, thật sự không kham nổi cảnh sống giữa những người “vĩ cuồng” như vậy. Tâng bốc, đề cao con mình, nhưng luôn tìm cách “dìm hàng” con dâu. Nào là vụng về, không biết chiều chồng. Nào là xấu xí, đẻ con ra may là nó giống cha, chứ mà y hệt mẹ chắc hết dám nhìn.

Cu Bin và mấy đứa cháu nội ngoại làm gì cũng được khen ngợi. Sao mà cháu tôi giỏi thế không biết. Nhìn mấy đứa con nít trong xóm mà xem, đứa nào khôn được như nó cơ chứ. Còn bé thế mà đã biết quát chị Bé giúp việc là: lau chỗ nước đổ đi chứ, lười gì lười quá vậy! Con em đẻ ra, em dư biết nó có tư chất thế nào, siêng lười ra sao.

Nhưng với phía nội cu Bin, mọi đứa trẻ trong nhà đều là thiên tài, thông minh như thần đồng, cưng chiều như thiếu gia! Ý muốn của chúng là thánh chỉ, dù là coi phim liên tục tới khuya hay ăn toàn mấy thứ độc địa. Cứ thử la mắng con mình mà xem! Bà nội sẽ bênh cháu chằm chằm, mạt sát con dâu ngay trước mặt cháu, cuối cùng là màn bà cháu cùng lăn ra khóc lóc chửi rủa. Nói sao con em nó không càng ngày càng béo phì, lì lợm, hỗn hào, coi mẹ chẳng ra gì.

Em thật không cam lòng để con trở thành một bản sao của những người đàn ông trong nhà, không phải kẻ xấu nhưng ỷ lại, lười lao động, ảo tưởng về bản thân và coi mình là trên hết. Nên thà mang tiếng một đời chồng…

2. Em họ làm tôi nhớ tới mẹ ruột của mình. Mẹ tôi có bệnh thích “chê” con, cháu. Con rể thì lù đù chẳng nhờ được việc gì cho đáng. Nhìn cháu bà Hai đầu hẻm mà coi, mới tí tuổi mà đã biết tự xúc ăn, có đâu như con Su nhà mày, chậm phát triển. Su là con gái tôi.

Chồng tôi vốn lành tính và lễ phép, thường không ý kiến gì mỗi khi bà ngoại hăm hở “dìm hàng” cháu. Nhưng có lúc, anh cũng không chịu nổi cái cách chê bai thiếu tính xây dựng của mẹ vợ, nên về cự nự với tôi. Tôi chẳng phải mẫu người hay bênh mẹ, càng không biết phải làm sao để có thể thay đổi thói quen khó bỏ của bà, nên đành động viên chồng thôi cố chịu. May mà không sống chung!

Tất nhiên, mấy đứa em dâu tôi cũng luôn bị mẹ chồng “soi” bằng những lời khó nhằn. Cả em trai, em gái của tôi cũng không thoát. Mẹ bảo, ngó con người ta thành đạt mà phát ham. Con chị hàng xóm đấy, mỗi tháng biếu mẹ nó cả chục triệu đồng, ra nước ngoài chơi như đi chợ. Tính ra, nuôi con ăn học chẳng lời lóm gì, thà cho buôn bán còn hơn. Lời nói vô tình của mẹ làm chúng tôi buồn không kể xiết.

Thương nhất là lúc em trai tôi thất nghiệp nằm nhà. Mẹ chê em kém cỏi, kêu vợ em vô phước mới lấy phải mày. Sao không đi chạy xe ôm mà cứ ra vô hoài, chướng mắt quá. Khuyên mẹ đừng nên tạo thêm áp lực cho em lúc khó khăn, mẹ… chửi luôn cả tôi là suốt đời chỉ biết sợ hãi, an phận, đeo bám nhà nước, ăn lương ba cọc ba đồng. Thấy chị Sáu nhà bác mày không, bung ra ngoài làm thêm, giờ khá quá trời!

Lẽ ra vợ chồng em trai tôi không đến mức phải dọn ra ngoài, để lại mẹ tôi ra vào căn nhà vốn rộng rãi giờ vắng vẻ, nếu như mẹ không “động viên” con dâu bằng những câu như, ngu dốt nên mới lấy phải cái đứa thiếu chí cầu tiến như vậy. Đẻ ra thằng con trai thì èo uột, nuôi mãi vẫn không cao lớn bằng con người ta. Đó là lời chê mẹ dành cho đứa cháu nội ruột rà...

3. Tôi gặp lại em họ mình hơn một năm sau đấy, mừng vì thấy cu Bin đã biết “sợ” và nghe lời mẹ hơn. Càng vui khi thấy em tươi tắn bảo, dạo này có người… để ý, chưa biết sao nữa, nhưng cũng không đến mức là gái ế chị nhỉ! Hỏi thăm gia đình chồng cũ của em, nhận được câu cảm thán rằng, chồng cũ của em thật cũng tội nghiệp, vẫn làng nhàng ăn bám mẹ. Lâu lâu cho cu Bin qua chơi vào cuối tuần, về là nó liền “đổi tính”, ham chơi, nói hỗn, khó dạy. May mà em cương quyết làm lại từ đầu, nên vẫn còn hy vọng có thể thay đổi con.

Tôi thấy lòng chùng xuống khi hiểu rằng, trẻ con còn khó điều chỉnh như thế, huống gì một người phụ nữ đã luống tuổi như mẹ mình. Mẹ đã quen với khắc nghiệt lâu quá, nên bây giờ, muốn mẹ mở lòng vui vẻ với con cháu, thật khó lắm. Em dâu tôi, lúc dắt con dọn ra khỏi nhà, cũng tần ngần tâm sự rằng, không muốn con trai sau này đụng cái gì cũng chê bai chỉ trích, luôn nhìn thấy toàn khuyết điểm của người khác thì làm sao mà sống hả chị?

Tôi còn biết làm gì hơn là ngậm ngùi nắm lấy tay em, mong em thấu hiểu và thông cảm. Mẹ chỉ “ác miệng” thế thôi, chứ thâm tâm cũng không phải ác độc gì. Em dâu bảo, thì em vẫn biết vậy, nhưng cứ kéo dài tình trạng chịu đựng nhau, thì cũng không phải là ý hay, đúng không chị? Tôi bỗng dưng thầm biết ơn chồng mình là người giỏi chấp nhận, nếu không, chắc gì gia đình tôi còn có thể trụ vững trước sự “tấn công” của mẹ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.