(GD&TĐ)- Các tỉnh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục tâm lý chủ quan, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, coi đây là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ thành quả lao động của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý- Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương đã nhận định sau khi có chuyến kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) năm 2011 cuối tháng 7 vừa qua (ngày 19- 22/7) tại các địa phương này.
Thứ trưởng Trần Quang Quý kiểm tra Cống đập Ba Lai, một vị trí xung yếu tại Bến Tre. |
Đoàn công tác do thứ trưởng Trần Quang Quý đã có nhiều buổi làm việc với Ban chỉ huy PCLB và các Sở, ban, ngành thành viên BCĐ của các tỉnh, (Sở NN&PTNT, KH-ĐT, Tài chính, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng, Giáo dục và Đào tạo…); nghe các báo cáo về công tác PCLB&TKCN 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2011.
Thiên tai diễn biến phức tạp, Bến Tre thiệt hại gần 563 tỷ đồng do ngập mặn
Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh là các tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều dòng sông lớn chảy qua (Sông Tiền, Sông Cổ Chiên, Sông Hậu). Tình hình áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt, lốc xoáy, triều cường, sạt lở đất ven sông, ven biển và xâm nhập mặn tại các địa phương này có diễn biến ngày càng phức tạp.
Tuy bão, lũ lụt tại các địa phương này không nghiêm trọng như các tỉnh miền Trung và Bắc Trung bộ, nhưng do sự chủ quan của nhân dân cũng như tính bất ngờ, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đặc biệt, tình hình thiên tai còn chứa đựng nhiều yếu tố bất thường do chịu tác động của sự biến đổi khí hậu trên bình diện toàn cầu. Bến Tre là một đơn cử cho sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Từ đầu tháng 3 xuất hiện mưa trái mùa sớm đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy ở khu vực Cảng cá Bình Đại, đã gây tốc mái nhà cơ sở chế biến cá, làm gãy một số cây xanh trong khu vực cảng.
Thứ trưởng Trần Quang Quý và đoàn công tác làm việc với BCH PCLB Tỉnh Trà Vinh |
Mực thủy triều cao nhất tại đây đạt đỉnh vào các tháng mùa khô trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh, dự báo năm 2011 độ mặn đã xâm nhập sâu và kéo dài. Đầu tháng 02, độ mặn trên các sông chính đã xâm nhập sâu cách các cửa sông khoảng 30 km (so với TBNN sớm hơn khoảng 01 tháng). Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 mặn 4%o (đơn vị tính: phần nghìn) trên các sông chính đã xâm nhập sâu khoảng 45 km, riêng sông Hàm Luông xâm nhập sâu trên 50 km.
Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, mức độ xâm nhập mặn có khả năng sâu hơn, nhất là những ngày triều cường và gió chướng hoạt động mạnh liên tục với cường độ cao, xâm nhập mặn trên các sông chính sẽ sâu hơn so với các tháng vừa qua, mặn 4%o có khả năng xâm nhập sâu vào dọc sông cách các cửa sông khoảng 55 km (riêng sông Hàm Luông có khả năng xâm nhập sâu hơn 60 km) và độ mặn 1%o xâm nhập hầu như toàn bộ địa bàn tỉnh; ước tổng thiệt hại khoảng: 562 tỷ 634 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2011 tại Tiền Giang có 02 đợt lốc xoáy đã xảy ra trên địa bàn các xã Tân Điền, Bình Nghị huyện Gò Công Đông và xã Nhị Bình huyện Châu Thành và có mưa trên diện rộng, mặn trên sông Tiền xuất hiện sớm và lấn sâu nhanh, độ mặn cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 3; Tuy mặn đến sớm và xâm nhập sâu nhưng lại kết thúc sớm hơn so với cùng kỳ từ 14 - 39 ngày nên không ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra do mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn cùng kỳ nhiều năm từ 5 đến 10 ngày nên thuận lợi cho sản xuất vụ Hè Thu ở các huyện phía Đông.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2011 tác động của thiên tai là không đáng kể. Tỉnh chưa có tính toán, báo cáo cụ thể về thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh.
Đoàn đã trực tiếp đi kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn các địa phương này: Khu neo đậu trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông; các vị trí xung yếu của tuyến đê biển thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Tại Bến Tre: Cống đập Ba Lai, các công trình xây dựng trụ phân lũ thuộc tuyến đê biển (đều thuộc huyện Bình Đại). Tỉnh Trà Vinh: Kè Hiệp Thạnh và điểm trường Ấp Bàn thuộc Trường Tiểu học Hiệp Thạnh (đều thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải).
Nhìn chung, các tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Uỷ ban quốc gia TKCN trong công tác PCLB&TKCN. Các cấp uỷ và chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Quyết định, Đề án để tổ chức thực hiện công tác PCLB&TKCN trong năm 2011; đã chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh trong việc bố trí lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn. Một số tỉnh đã xây dựng phương án đối phó và tổ chức diễn tập theo phương án đã xây dựng; Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, do kinh phí nhà nước còn hạn hẹp, sự huy động xã hội hoá còn hạn chế nên việc chuẩn bị phương tiện,vật tư và hậu cần tại chỗ còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc chuẩn bị “4 tại chỗ” trong cộng đồng dân cư.
Các tỉnh đã quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai dưới nhiều hình thức, góp phần quan trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác, chủ động của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011.
Chủ động tốt “4 tại chỗ” và không thể lơ là, chủ quan
Sau khi nghe báo cáo, các kiến nghị đề xuất của các địa phương và thực tế kiểm tra tại các vị trí xung yếu Thứ trưởng Trần Quang Quý, Uỷ viên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra đã phát biểu kết luận, yêu cầu:
Các địa phương cần nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo tình hình biến đổi thời tiết, khí hậu, thiên tai, lũ lụt để thông tin nhanh chóng, kịp thời đến nhân dân. Đồng thời kịp thời kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN, ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp từ tỉnh đến các sở, ban ngành, huyện, xã, các cơ sở giáo dục,… khi có thay đổi về nhân sự, trong đó chú ý việc phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên.
Thứ trưởng Trần quang Quý kiểm tra tuyến đe biển tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang |
Hàng năm phải chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội xây dựng kế hoạch PCLB&TKCN, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể để chủ động xử lý, giải quyết nhanh các tình huống khi có thiên tai, bão lụt xảy ra, trong đó đặc biệt chú trọng các vị trí xung yếu về đê biển, hồ, đập thuỷ lợi, … nhằm bảo đảm an toàn các khu dân cư sống trong vùng nguy hiểm.
Ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương về nhiệm vụ của công tác PCBL&TKCN, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các sở, ban ngành; quy định về chế độ thông tin, báo cáo; quy chế trong điều hành các công việc cụ thể;…
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác PCLB&TKCN; kiểm tra, đánh giá sự an toàn của các hồ, đập, đê biển, các công trình thuỷ lợi,… Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác PCLB&TKCN, từ đó chỉ ra những cách làm hay, những kinh nghiệm quý báu để nhân rộng, phát hiện những hạn chế, thiếu sót để tìm cách khắc phục; đồng thời chú ý thực hiện kịp thời công tác thi đua, khen thưởng trong quá trình thực hiện công tác PCLB&TKCN.
Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài trong việc chống sói mòn, sạt lở, ngăn chặn xâm nhập mặn, bảo vệ các công trình thuỷ lợi, nguồn nước và môi trường sinh thái.
Thực hiện tốt việc PCLB&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Vật tư tại chỗ, Hậu cần tại chỗ), trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn bị, dự phòng, bảo quản, bảo dưỡng vật tư, phương tiện, trang thiết bị, lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men phục vụ PCLB, TKCN và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần chủ kêu gọi động huy động đóng góp kinh phí của các cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài địa phương, từ đó hình thành, duy trì và phát triển Quỹ PCLB, TKCN và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh.
Tổ chức rà soát để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo hướng gắn với công tác PCLB&TKCN, nhằm hình thành hệ thống trường, lớp học có khả năng đối phó với diễn biến của thiên tai, bão, lũ,… đồng thời có thể sử dụng các công trình trường, lớp học trên địa bàn tỉnh thành nơi trú bão, lũ lụt của nhân dân khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Bá Hải