Tại cuộc họp, đại diện các trường bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với nội dung dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, trong đó lần đầu tiên các môn học về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ thuật công nghệ có vị trí tương xứng trong tổng thể chương trình, hướng tới xây dựng chân dung người học sinh mới toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Đào tạo giáo viên đáp ứng tiến độ triển khai chương trình mới
Xác định công tác đào tạo giáo viên phải đi trước một bước, đến thời điểm này, các trường sư phạm trong cả nước đã có những chuyển động tích cực trong việc đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo đáp ứng kịp thời quá trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, trong đó có các trường sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao và kỹ thuật.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho rằng: Nội dung các môn học được đưa ra trong chương trình tổng thể sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho những cơ sở đào tạo giáo viên kỹ thuật. Bởi vì nhu cầu giáo viên không chỉ dành cho các trường phổ thông mà khi thực hiện chương trình mới theo định hướng phân luồng từ THCS rất nhiều em sẽ không tiếp tục lên học THPT mà sẽ qua các trường nghề. Như vậy nhu cầu giáo viên cho các trường nghề cũng rất lớn.
“Sắp tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm kỹ thuật, mời 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật trong cả nước cùng tham dự nhằm bàn bạc, thống nhất các giải pháp triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kỹ thuật, công nghệ phù hợp với yêu cầu đổi mới, trong đó chúng tôi sẽ tính toán tới thời gian đào tạo hệ cử nhân và thạc sĩ sao cho phù hợp với tiến độ triển khai chương trình ở các cấp học” - ông Dũng cho biết.
Đồng tình với việc Bộ giao cho các nhà trường chủ động về chương trình đào tạo giáo viên, TS Nguyễn Duy Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội - nhận định: Việc này sẽ giúp cho chương trình sát với thực tế.
Ông Quyết chia sẻ: Hiện nay, ở một số trường phổ thông, giáo dục thể chất vẫn là môn học chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy, việc dạy và học chưa phát huy hết được vai trò của môn học là rèn luyện về sức khỏe và trí tuệ cho học sinh.
Theo ông Quyết, nếu áp dụng cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì môn giáo dục thể chất nên bố trí tăng lên thành 1 giờ/ngày, như thế mới đủ đảm bảo chất lượng của môn học cũng như tinh thần “học mà chơi - chơi mà học” của học sinh tiểu học.
Cho rằng, lần đổi mới này không phải từ cũ hoàn toàn sang mới hoàn toàn mà chủ yếu là thay đổi phương pháp dạy và học, TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - cho biết: Hiện nay, nhà trường đã chủ động xây dựng một số chương trình đào tạo theo chuẩn mới. Trường cũng đã thành lập ban cố vấn là các chuyên gia lâu năm trong giảng dạy sư phạm nghệ thuật để tư vấn trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai chương trình mới cho đội ngũ giảng viên của nhà trường, đội ngũ này sau đó sẽ làm nhiệm vụ đào tạo các khóa sinh viên sư phạm nghệ thuật và bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên nghệ thuật hiện có trong cả nước” - ông Tuấn cho hay.
Chủ động, sáng tạo tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao vai trò của các trường sư phạm đặc thù trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, điều này thể hiện qua sự chủ động đổi mới của các nhà trường trong thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là lần đổi mới cần tất cả các trường sư phạm phải vào cuộc một cách chủ động, mọi sự ngồi chờ hay hành động thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ sẽ dẫn đến thất bại. Bộ chỉ đưa ra đường hướng, chủ trương, còn các trường chủ động tham gia vào chương trình môn học. Cá nhân các thầy cô phải tham gia sâu vào hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp, các điều kiện đảm bảo về giáo viên, cơ sở vật chất cho chương trình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Trong điều kiện khó khăn, không thể làm chương trình một cách cứng nhắc mà phải theo hướng linh hoạt, đến đâu là có thể tạo được nền tảng về Đức - Trí - Thể - Mỹ, đến đâu là có thể phát triển năng khiếu một cách chuyên sâu cần phải được tính toán để triển khai một cách hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, sau khi có chương trình tổng thể, các trường cần chuẩn bị lực lượng xây dựng dự thảo chương trình môn học, căn cứ vào đó để đưa ra yêu cầu chuẩn giáo viên cho từng môn học. Thông qua khảo sát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có so với chuẩn sẽ thấy được đội ngũ giáo viên đang ở đâu, thừa thiếu ra sao để xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới.
“Dù thế nào đào tạo giáo viên cũng phải đi trước một bước, đây không chỉ đào tạo cho trước mắt mà còn cho lâu dài” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng giao Ban quản lý dự án Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) căn cứ vào các dự án đang khởi động để điều chỉnh đưa các trường sư phạm đặc thù vào các thành phần của dự án.
“Bên cạnh các dự án, đề án, các trường sư phạm cần nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chuyên môn của mỗi nhà trường và là nhiệm vụ chính trị để từ đó nâng cao trách nhiệm, đồng tâm đồng sức cùng toàn ngành thực hiện thành công lần đổi mới này” - Bộ trưởng khẳng định.