(GD&TĐ) - Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam. Sau khi tổng hợp các ý kiến thảo luận của các tiểu ban, các ý kiến thảo luận chung và tổng kết hội thảo, Bộ GD&ĐT đã thông báo kết quả thảo luận các nội dung hội thảo.
Một tiết dạy lịch sử |
Chương trình lịch sử tại trường phổ thông hiện nay đã chú ý giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng, thái độ, xử lý mối quan hệ giữa kiến thức lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở để biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên và các tài liệu tham khảo để dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Những thành tựu của khoa học lịch sử, của khoa học giáo dục đã được thể hiện vào nội dung giáo dục bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, phù hợp với các đối tượng học sinh ở các vùng, miền.
Nhìn chung, sách giáo khoa môn lịch sử đã bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn Lịch sử; bảo đảm tính chính xác, khoa học và cập nhật. Mức độ nội dung trọng tâm của lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại được đưa vào trong sách giáo khoa về cơ bản phù hợp với trình độ của học sinh.
Đa số thầy cô giáo đã có nhiều cố gắng trong cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao tính hấp dẫn của môn học, góp phần nâng cao dần chất lượng môn học. Các địa phương đã tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức khai thác kênh hình, bổ sung thêm nguồn tư liệu dạy học, tổ chức hội giảng, các kỳ thi giáo viên giỏi...
Số lượng các trường sư phạm, các khoa đào tạo giáo viên lịch sử tăng lên nhanh chóng nên đã khắc phục sự thiếu hụt về giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Về chất lượng, trong số các cử nhân lịch sử ra trường mỗi năm, có một lực lượng đáng kể trở thành nguồn lao động tri thức được đào tạo bài bản, có kiến thức cơ bản vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, chương trình dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế nhất định. Nội dung những phần đồng tâm của chương trình chưa thể hiện rõ về mức độ khác nhau, yêu cầu cần đạt giữa các cấp, lớp khác nhau. Cấu trúc chương trình chưa thật cân đối giữa nội dung giáo dục của các cấp học; giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới; giữa các nội dung về chính trị với kinh tế, xã hội, văn hóa; giữa lịch sử cổ trung với lịch sử hiện đại…
Nội dung sách giáo khoa nặng về lịch sử chiến tranh chống xâm lược, nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa được lặp lại ở các cấp học. Nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử chưa được cập nhật. Một số bài trong sách giáo khoa, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn “nặng, mang tính hàn lâm, dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Cách trình bày của sách giáo khoa còn ít kênh hình, tư liệu lịch sử...
Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn lịch sử chậm đổi mới, chưa thực sự chuyển biến trong ý thức của từng giáo viên và cán bộ quản lý. Một bộ phận giáo viên chưa chú trọng rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy độc lập. Việc kiểm tra, đánh giá vẫn yêu cầu học thuộc lòng nhiều hơn là các mức độ hiểu, vận dụng và các kỹ năng phân tích, tổng hợp, rút ra nhận xét, kết luận và các kĩ năng thực hành khác, chưa có tác dụng hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.
Một bộ phận giáo viên môn lịch sử ở trường phổ thông còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Mô hình đào tạo giáo viên sư phạm nói chung, giáo viên dạy lịch sử nói riêng vẫn còn chậm chuyển đổi sang hệ thống đào tạo mở, đào tạo theo tín chỉ, ít hội nhập quốc tế. Phương pháp đào tạo vẫn lạc hậu, phương pháp dạy học của một bộ phận không nhỏ giảng viên các trường đại học, cao đẳng chủ yếu vẫn là thuyết trình nên không phát huy được tính tích cực của sinh viên.
Để khắc phục những hạn chế kể trên, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dạy học lịch sử ở trường phổ thông; xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học lịch sử ở trường phổ thông; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học lịch sử tại các trường phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên lịch sử tại các trường, khoa sư phạm.
Xem toàn văn thông báo tại đây >>>
Tuệ Văn