Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về công tác BVCSTE

Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về công tác BVCSTE

(GD&TĐ) - Ngày 17/12, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương (Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT) do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn, đến kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành phố Đà Nẵng. 

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc với UBND TP.Đà Nẵng.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương làm việc với UBND TP.Đà Nẵng.

Trước khi có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và đoàn thể địa phương; Đoàn kiểm tra đã có cuộc kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế công tác công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSTE) tại Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 207.975 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 21,5% dân số), trong đó có 2.485 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chiếm 1,19%), 20.537 trẻ em thuộc diện hộ nghèo (chiếm 9,87%), 1.000 trẻ có hoàn cảnh đặc thù (bị tai nạn thương tích, trẻ em trong gia đình ly hôn).

Trong những năm qua, công tác BVCSTE của thành phố Đà Nẵng đã được triển khai đều khắp và nhiều kết quả tích cực. Đến nay, lực lượng cán bộ làm công tác BVCSTE đã được củng cố 56/56 xã, phường; 7/7 quận, huyện đều bố trí cán bộ lãnh đạo phụ trách và chuyên viên theo dõi công tác BVCSTE; xây dựng được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp với gần 1.000 công tác viên tại thôn, tổ. Thông qua các chương trình và dự án, Đà Nẵng đã vận động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

 Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác BVCSTE năm 2010-2012 của UBND TP.Đà Nẵng thì đến nay, 100% trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc; 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm só bằng nhiều hình thức khác nhau; 100% trẻ em trong các hộ nghèo được hưởng chính sách của Nhà nước và thành phố về y tế và giáo dục; 100% trẻ em được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tỉ lệ trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi mẫu giáo đạt trên 94%;  số lượng trẻ em khuyết tật được giáo dục hòa nhập cộng đồng đạt 65,5%, trẻ khuyết tậ được giáo dục chuyên biệt đạt 36,5% (trong tổng số trẻ em khuyết tật).

Từ năm 2010 đến 2012, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng đã tiếp nhận 166 trường hợp tham vấn, tư vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em; kịp thời can thiệp xử lý kịp thời 84 trường hợp trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục. Thông qua đường dây nóng (3.81.87.87) tiếp nhận, tư vấn, kết nối với các dịch vụ cho hơn 500 cuộc gọi đến phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật để giúp đỡ. Có hơn 8.800 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc diện hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ: trợ cấp thường xuyên, học bổng, học nghề, phẫu thuật mắt, mổ tim, xây nhà tình thương…với kinh phí gần 28 tỷ đồng. 

Năm 2013, Đà Nẵng tiếp tục tăng cường mở các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng trách đuối nước cho học sinh.
Năm 2013, Đà Nẵng tiếp tục tăng cường mở các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng trách đuối nước cho học sinh.

Tuy nhiên, hiện nay, một số sơ sở trợ giúp trẻ còn gặp khó khăn trong công tác vận động nguồn lực nên chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ chưa cao. Kinh phí đầu tư cho hoạt động BVCSTE ở cấp quận, huyện, xã, phường còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở nhiều trường vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác BVCSTE của UBND TP.Đà Nẵng, Đoàn kiểm tra còn làm rõ thêm các một số nội dung, vấn đề xung quanh việc thực hiện công tác BVCSTE tại địa phương như: công tác phối hợp giữa gia đình, cộng đồng với chính quyền đại phương; và giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc phối hợp thực hiện BVCSTE; chính sách về khám chữa bệnh, chăm sóc cho trẻ em nghèo, trẻ em ở các khu công nghiệp, trẻ em thuộc các hộ nhập cư. Đồng thời, nắm bắt các mô hình hoạt động có hiệu quả và những giải pháp mang lại những kết quả tích cực trong công tác BVCSTE.

Góp ý nhằm giúp Đà Nẵng triển khai thực hiện công tác BVCSTE mang tính bền vững trong thời gian đến, Đoàn kiểm tra đã thẳng thắn đưa ra nhiều khuyến nghị về xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với Chương trình hành động vì trẻ em và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đẩy mạnh lồng ghép và phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện công tác BVCSTE.

Tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em một cách toàn diện

Ghi nhận những kết quả mà TP.Đà Nẵng đạt được trong công tác BVCSTE năm 2010-2012, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Trong thời gian qua, TP.Đà Nẵng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác BVCSTE, huy động được nhiều nguồn lực cùng các cấp, ngành, đoàn thể vào cuộc, thực hiện các mục tiêu của chương trình hành động vì trẻ em. Địa phương đã chủ động xây dựng các mô hình điểm về BVCSTE, thành lập mạng kết nối nhằm nâng cao chất lượng công tác BVCSTE. Công tác ngăn chặn học sinh bỏ học, trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật; giáo dục, cảm hóa học sinh hư, thanh thiếu niên chậm tiến có hiệu quả. Hoạt động chăm sóc dinh dưỡng, y tế có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét; đặc biệt là đối tượng trẻ em khó khăn, khyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt.

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình BVCSTE hoạt động có hiệu quả, thực hiện công tác BVCSTE mang tính bền vững trong tương lai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý, trong thời gian đến, TP.Đà Nẵng nên đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Tăng cường các nguồn lực, kinh phí cho công tác BVCSTE; xây dựng và phát triển đội ngũ phục vụ công tác BVCSTE. Đồng thời, tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ cho BVCSTE, cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về công tác BVCSTE.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ