Nâng cao năng suất lao động để đẩy mạnh năng lực cạnh tranh

GD&TĐ - Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động), tăng 6,4% so với năm 2014, bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9%/năm. 

Nâng cao năng suất lao động để đẩy mạnh năng lực cạnh tranh

Tuy nhiên, đó chỉ là sự gia tăng so với chính chúng ta, chứ so với ngay các nước trong khu vực, NSLĐ của người Việt vẫn rất thấp.

Thực trạng đáng bàn

Cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, khoảng cách tương đối về NSLĐ với các nước ASEAN được thu hẹp dần.

Cụ thể, nếu năm 1994 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp 29,2 lần; 10,6; 4,6; 3,1 và 2,9 lần NSLĐ của Việt Nam thì năm 2013 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 18 lần; 6,6; 2,7; 1,8 và 1,8 lần.

Tuy nhiên, NSLĐ của nước ta hiện vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối tính bằng chênh lệch giữa NSLĐ của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.

Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, NSLĐ của Việt Nam tăng chậm hơn, dẫn tới sự gia tăng cả về khoảng cách tuyệt đối và tương đối với hai nước trên.

Điều này cho thấy, khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất của các nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do:

Quy mô kinh tế của nước ta còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ ngành nông nghiệp và khu vực phi chính thức ở nước ta thấp.

Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. Ngoài ra, còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chậm được khắc phục.

Các giải pháp cần thiết

Theo một số nghiên cứu, mức đóng góp lý tưởng trong tăng trưởng GDP của yếu tố NSLĐ ở nước ta chiếm khoảng 65 - 75%. Có ba phương thức để nâng cao NSLĐ: (1) Đầu tư tài sản và nâng cao chất lượng đầu tư; (2) Nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động; (3) Hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý cho sản xuất kinh doanh và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Để nâng cao NSLĐ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp cấp thiết như Chính phủ đã đề ra thời gian qua, cùng với đó cũng cần thường xuyên theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách về NSLĐ so với các nước trong khu vực.

Phổ biến rộng rãi kiến thức, phương pháp cải thiện năng suất và các trường hợp thành công điển hình của quốc tế về tăng năng suất trên các phương tiện truyền thông, công nghệ di động…

Học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự trợ giúp từ các nước phát triển trong khu vực đã thực hiện thành công chiến lược nâng cao năng suất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các tổ chức quốc tế (ILO, OECD…) trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, biện pháp nhằm nâng cao NSLĐ cũng là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, cũng cần trên cơ sở thực tế trong nước, đẩy mạnh đổi mới GD-ĐT và dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa GD để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân.

Nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng NSLĐ. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực dự báo, kế hoạch hóa nguồn nhân lực. 

Đổi mới sáng tạo là động lực không có giới hạn của tăng trưởng, là chìa khóa giúp một số nước Đông Á vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

Tuy nhiên, công nghệ và sáng tạo vẫn là “vùng trũng nhất” (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016, Việt Nam được xếp hạng chung là 56, trong khi các chỉ số cấu phần liên quan đến đổi mới sáng tạo lại thấp hơn nhiều.

Điều này cho thấy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ