Nâng cao hơn nữa phẩm chất người thầy

GD&TĐ - Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động, phong trào “hai không” với 4 nội dung, trong đó có nội dung quan trọng”. Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”. Có thể nói, nhờ có phong trào lớn này mà ý thức, đạo đức của đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên rõ rệt.

Nâng cao hơn nữa  phẩm chất người thầy

Gần đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, trong đó có nêu, cần phải chấn chỉnh ngay đạo đức nhà giáo.

Chỉ thị nêu rõ: “Yêu cầu các Sở GD&ĐT, đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học. Xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, quan tâm giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”.

Là một nhà giáo rất quan tâm đến tình hình giáo dục nước nhà, tôi hoan nghênh những việc làm, động thái cụ thể của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Các chỉ thị, quy định trên chính là căn cứ, cơ sở pháp lý cần thiết để tất cả cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và nhân viên thực hiện, nâng cao ý thức, đạo đức, trách nhiệm nhà giáo và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời và xử lý tốt những tình huống, sự việc có thể nảy ra. Thiết nghĩ, muốn giải quyết tận gốc bài toán Đạo đức nhà giáo, không chỉ dựa vào những văn bản, quy định hành chính, các quyết định xử lý kỷ luật khi có sai phạm mà cần có những “chiến lược” căn cơ, lâu dài của ngành Giáo dục.

Trước hết, các trường đào tạo sư phạm được Nhà nước quy hoạch, đầu tư tốt hơn nữa về mọi mặt, không còn nặng chuyện chạy theo chỉ tiêu, số lượng, nuôi cán bộ, giảng viên, nhân viên. Hằng năm, tuyển sinh ít mà chất lượng, chọn cho được những học sinh - sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên”. Từ cái “chất” này mới dễ dàng, thuận lợi trong việc đào tạo, cho ra “lò” những giáo viên tốt. Ở quá trình đào tạo, ngoài kiến thức, chuyên môn, nhà trường cần đổi mới, chú trọng, tăng cường cung cấp, trang bị về phương pháp, kỹ năng giáo dục, tâm lý học… để khi hành nghề, giáo viên các bậc học biết cách xử sự đúng mực.

Mặt khác, chế độ đãi ngộ, lương bổng cho đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, lâu nay được nói đến, kiến nghị nhiều lần nhưng hiện tại vẫn cứ vậy. Đời sống kinh tế, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa tận tâm, hết mình vì công việc, vì học sinh. Thiếu đầu tư, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong quá trình giáo dục, quản lý học sinh dễ nảy ra sai sót, bực tức… là điều khó tránh khỏi. Ông bà ta từng nói rất đúng: “Có thực mới vực được đạo”. Ngành Giáo dục với hàng triệu thầy cô giáo - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đang cần lắm cái “có thực” của Nhà nước và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.