Nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của giờ học tác phẩm văn chương

Nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của giờ học tác phẩm văn chương

Môn Văn trong nhà trường vừa là môn khoa học vừa là một môn có tính nghệ thuật. Dạy học tác phẩm văn chương nếu chỉ giảng dạy khô khan, lạnh lùng không có mỹ cảm, không có rung động trái tim, không có niềm say mê trước cái đẹp, năng lực sáng tạo thẩm mỹ cho học sinh thì không thể nói là đã hiểu văn và dạy văn.

Dạy văn phải coi trọng chất nhân văn thẩm mỹ của tác phẩm. Xác định hiệu quả giờ văn chính là hiệu quả thẩm mỹ, đánh thức những rung động, xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ và khát khao vươn tới cái Chân – Thiện – Mỹ của học sinh... Đòi hỏi người giáo viên dạy văn phải có những biện pháp tạo lập bầu không khí văn chương trong suốt giờ học. Bầu không khí văn chương là một yếu tố không thể thiếu được làm nên chất văn cho giờ học. Trong không khí đó cả giáo viên và học sinh được tự do bộc lộ những cảm nhận của mình về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương.

Bầu không khí văn chương chỉ được thiết lập mà khi ở đó cả thầy và trò như đang sống cùng hình tượng nhân vật, như đang cảm nhập vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, lắng nghe được hơi thở, và trái tim phập phồng của tác giả trong tác phẩm. Đối với giờ văn cũng vậy, giáo viên duy trì được bầu không khí văn chương suốt giờ học sẽ tạo được sự tập trung cao độ cho học sinh gây sự hứng thú học tập ở các em để từ đó tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc giữa giáo viên – nhà văn – học sinh.

Tạo không khí ban đầu

Giáo viên có thể bắt đầu giờ dạy tác phẩm văn chương bằng nhiều cách. Có thể ví giờ văn giống như một quá trình viết bài văn. Tạo không khí ban đầu bằng hoạt động vào bài ấn tượng, mang đậm chất nghệ thuật cũng như một mở bài hay có khả năng lôi cuốn người học. Muốn tạo được không khí tốt, giáo viên phải biết sáng tạo trong các bước lên lớp bằng những lời giới thiệu hay ấn tượng để đưa học sinh vào trường cảm xúc cùng với giáo viên và nhà văn. Về tâm lý con người thường bị thu hút, lôi cuốn bởi những lời hay, ý đẹp, những cách nói độc đáo, ấn tượng. Chính vì vậy, việc dẫn dắt học sinh vào bài phải trở thành nghệ thuật sư phạm của người giáo viên.

Ví dụ như khi dạy bài Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo giáo viên có thể giới thiệu: "Trong "Lor-ca trong tôi - mãi mãi là một bí mật" Thanh Thảo viết: "Lor-ca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói, một nhà thơ có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lor-ca siêu thực một cách tự nhiên và hiện thực một cách tự nhiên". Cảm mến, khâm phục trước tài năng, nhân cách, xót thương trước bi kịch cuộc đời của Lor-ca một nhà thơ kiệt xuất của Tây Ban Nha, Thanh Thảo đã viết nên thi phẩm "Đàn ghi ta của Lorca". Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thi phẩm này, một thi phẩm mà lần đầu đọc ai cũng cảm thấy "choáng ngợp và lúng túng như đứng trước một mỹ nhân mà có vẻ đẹp hiện đại mà không biết cách nào tiếp cận và khám phá".

Bên cạnh đó, tạo không khí ban đầu bằng những ứng dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại để thu hút sự chú ý và tạo không khí hứng thú cho học sinh. Bằng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc… trực quan sinh động, các phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể tác động cùng một lúc tới nhiều giác quan của học sinh, khiến các em tạm gác những mối quan tâm cá nhân để tập trung sự chú ý vào bài học. Một đoạn phim về không gian văn hóa Kinh Bắc cùng với những khúc đàn dân ca quan họ sẽ giúp cho bầu không khí văn chương được hâm nóng khi học bài Ca dao dân ca ở lớp 10...

Nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của giờ học tác phẩm văn chương ảnh 1
Cô giáo Mai Loan và các học trò trong lễ tốt nghiệp THPT 2019. Ảnh: NVCC

Hoạt động đọc diễn cảm

Đọc diễn cảm với tư cách là một biện pháp tạo bầu không khí văn chương, tạo chất văn cho giờ học chứ không phải là hoạt động đọc văn nói chung và quan niệm coi đọc diễn cảm như là một phương pháp. Vì vậy, ở đây cần chú ý đến khía cạnh tạo hứng thú thẩm mỹ để học sinh có thể tri giác thẩm mỹ tới những phán đoán thẩm mỹ chính xác...

Đọc diễn cảm làm nổi bật vẻ đẹp hình thức bên ngoài của tác phẩm. Đó là vẻ đẹp ngôn từ được tổ chức một cách đặc biệt, nhất là trong thể loại thi ca. Hình thức bên ngoài không tác động thông qua lí giải, tưởng tượng, liên tưởng mà tác động trực tiếp đến độc giả, nó thức tỉnh nguồn cảm xúc thuần khiết nhất và cũng không kém mạnh mẽ cảm xúc sản sinh ra từ nội dung. Đồng thời còn làm sao phải sống dậy tình cảm, thái độ của nhà văn thể hiện qua câu chữ và thông qua đó truyền đạt cảm xúc đến người nghe.

Biện pháp đọc diễn cảm cũng cần được giáo viên kết hợp với diễn giảng, hoặc giảng bình sẽ tạo nên chất văn cho giờ học. Giáo viên nên mạnh dạn đổi mới sáng tạo ở khâu này bằng những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại. Có thể sử dụng băng hình để học sinh nghe các nghệ sĩ kể chuyện, ngâm thơ, diễn xướng...

Tạo dựng bầu không khí xã hội – lịch sử của tác phẩm

Mỗi tác phẩm văn chương đều được sinh thành trong bầu không khí xã hội – lịch sử nhất định. Những yếu tố của môi trường văn hóa đương thời, của đời sống riêng tư được chắt lọc thẩm thấu qua lăng kính của nhà văn và phản chiếu hình ảnh của nó trong tác phẩm biến tác phẩm thành một thực thể đầy sức sống. Có thể ví tác phẩm văn học như những chiếc vỏ ốc nhỏ bé mà khi áp tai vào đó ta có thể lắng nghe hơi thở của đại dương mênh mông, từ những hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan mà giúp ta cảm nhận được bộ mặt của cả một thời đại.

Đặt tác phẩm vào thời điểm nảy sinh ra nó, người tiếp nhận mới có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị thời đại của tác phẩm với tư cách là một sinh thể sống động, có hồn. Đồng thời, việc tái hiện hoàn cảnh ra đời của tác phẩm có tác dụng khơi dậy trí tưởng tượng và những xúc cảm của học sinh về tác phẩm, tạo ra bầu không khí văn chương cần thiết để cuộc trò chuyện tâm tình giữa nhà văn - giáo viên – học sinh diễn ra tốt đẹp. Giáo viên cũng có thể giới thiệu một đoạn tâm sự của nhà văn về sáng tác của mình (ví như Hoàng Cầm khi sáng tác bài thơ Bên kia sông Đuống, Tố Hữu khi sáng tác bài Bác ơi, Nguyên Ngọc tâm sự khi sáng tác Rừng xà nu).

Tạo tình huống có vấn đề

Giáo viên còn có thể thiết lập bầu không khí văn chương trong giờ học bằng việc khám phá ra mâu thuẫn giữa cách hiểu của học sinh và giá trị đích thực của tác phẩm. Giáo viên phải là người tạo ra những tình huống có vấn đề lôi cuốn học sinh cảm nhập vào bầu không khí văn chương. Để tạo ra tình huống có vấn đề đích thực, bản thân giáo viên phải phát hiện trong tài liệu học tập của học sinh đâu là vấn đề có "vấn đề", phải thiết kế thế nào để chúng trở thành các tình huống có vấn đề và phải nêu vấn đề thế nào để khơi gợi hứng thú, sự tích cực tham gia giải quyết của học sinh, không phải cứ nêu vấn đề là sẽ lập tức lôi cuốn học sinh hay khơi gợi được những vận động tư duy, trí tuệ của các em.

Hạt nhân của dạy học vấn đề như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định là tình huống có vấn đề và triển khai cụ thể trong giờ học là những câu hỏi nêu vấn đề. Không giống như câu hỏi tái hiện yêu cầu học sinh tái tạo lại tri thức đã có trong tài liệu, câu hỏi nêu vấn đề yêu cầu học sinh sử dụng những cái đã biết, cái đã cho làm phương tiện tìm tòi, nghiên cứu để phát hiện ra những tri thức mới. Câu hỏi nêu vấn đề đòi học sinh phải có khả năng tổng hợp, bao quát tri thức, huy động kiến thức, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để trả lời.

Để giúp học sinh phân tích và cắt nghĩa một cách sâu sắc ý nghĩa tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân qua nhân vật quản ngục nói riêng và truyện ngắn Chữ người tử tù nói chung, giáo viên có thể đưa ra tình huống đặt vấn đề và đưa ra câu hỏi: Trong bản in đầu tiên của Chữ người tử tù (Tạp chí Tao đàn, số 1, ngày 1/3/1939), Nguyễn Tuân có thêm những chữ sau đây vào đoạn kết truyện: "Viên quản ngục nhìn mặt chữ khô lần lần. Y sung sướng vì được dòng chữ quý giá. Y tự nhủ: tất cả nghề nghiệp ta và có lẽ cả đời ta nữa, lãi chỉ ở chỗ xin được chút kỉ niệm này. Nhưng, một tình buồn mênh mông đã lẻn vào lòng sung sướng của quản ngục... ít hôm nữa...pháp trường trong Kinh...". Nhưng đến khi in thành sách (Vang bóng một thời), tác giả lại bỏ đoạn văn này. Theo anh (chị), vì sao Nguyễn Tuân lại bỏ đoạn văn đó? Học sinh buộc phải phân tích nhân vật quản ngục, tổng hợp các dữ liệu từ ý nghĩa tư tưởng, thẩm mĩ qua hình tượng Huấn Cao và cảnh cho chữ mới có thể xử lý được tình huống này và trả lời câu hỏi trên của giáo viên.

Tạo dư âm trong hoạt động kết thúc giờ học

Tạo bầu không khí văn chương trong suốt giờ học không thể không chú ý hoạt động tạo dư âm khi kết thúc giờ học. Nhiều giáo viên đã giản đơn hóa phần kết thúc giờ học bằng cách tổng kết sơ sài nội dung và nghệ thuật, giao bài tập về nhà cho học sinh mà ít khi chú ý đến việc tạo ấn tượng cuối cùng để giờ học còn đọng mãi trong trí nhớ học sinh về Cái Hay Cái Đẹp của tác phẩm khiến các em náo nức tìm hiểu thêm về nó.

Hoạt động kết thúc giờ học phải tạo cho học sinh có cái nhìn tổng thể, nâng những nội dung phân tích lên thành những vấn đề có ý nghĩa khái quát về phong cách biểu hiện của tác giả, về ý nghĩa nội dung tác phẩm, về vị trí vai trò của tác phẩm và tác giả... Giáo viên cho học sinh phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm, hoặc cho các em nhập vai tác giả để nói về tác phẩm của mình; Có thể dùng hình ảnh, âm thanh ấn tượng để tạo dư ba trong lòng học sinh. Ví như khi kết thúc bài Ai đã đặt tên cho dòng sông giáo viên có thể trình chiếu những hình ảnh về dòng sông Hương, xứ Huế kèm theo với ca khúc Huế thương để tạo dư ba của tiết học. Hay khi dạy bài Hương Sơn phong cảnh ca có thể cho các em nghe bài hát nói được hát bởi một nghệ nhân ca trù...

Có thể nói việc tạo ra bầu không khí văn chương trong suốt giờ học là một điều không dễ và đòi hỏi sự say mê tìm tòi sáng tạo của người giáo viên. Điều quan trọng là thông qua việc tổ chức dạy học của giáo viên, học sinh phải thực sự hoạt động và có được thói quen, cũng như những kỹ năng tự đọc, tự học một cách chủ động, sáng tạo, để thông qua đó trau dồi khả năng thẩm mĩ thấm cái đẹp và tỏa ra cái đẹp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ