Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, quản lý Nhà nước về giáo dục đại học cần được điều chỉnh theo mô hình giám sát và tăng quyền tự chủ cho cơ sở đại học. 

Đổi mới quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.   Ảnh: Sỹ Điền
Đổi mới quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ảnh: Sỹ Điền

Nhà nước cần có chính sách nâng cao tính tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học theo cơ chế chịu trách nhiệm giải trình cao nhất, nhằm thúc đẩy quốc tế hóa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên. Đồng thời phát triển đối tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bảo đảm phát triển giáo dục

Theo PGS Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, xu thế quốc tế quan niệm bản chất của quản lý nhà nước về GD-ĐT là bảo đảm cam kết của nhà nước đối với sự phát triển giáo dục, được thể hiện qua các mặt như: Cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo; Cam kết huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội để phát triển giáo dục đào tạo; Cam kết huy động nguồn lực cho phát triển GD-ĐT; Cam kết tạo sự bình đẳng đối với các đối thưọng hưởng thụ giáo dục đào tạo. Cùng với đó, Nhà nước nắm quyền chỉ đạo cung cấp các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ GD-ĐT, nhưng nhà nước trao quyền cho các đơn vị, tổ chức thực hiện hoạt động.

Để thể hiện rõ hơn vai trò của nhà nước và phát huy quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, PGS Trần Ngọc Giao đề nghị, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ khoa học. Đồng thời có chính sách ưu tiên đầu tư vào các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các ngành mũi nhọn, phục vụ chiến lược hiện đại hóa đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ của các trường đại học và tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời xem xét xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học; tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Quy định rõ về xếp hạng đại học theo thông lệ quốc tế. Mặt khác, có cơ chế cho chuyển đổi mục đích hoạt động của các loại hình trường.

Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng sinh viên; đồng thời chịu trách nhiệm về sự phát triển trường tư thục và các loại hình giáo dục đại học ngoài công lập thông qua chính sách chất lượng, chính sách và cơ chế huy động nguồn lực, chính sách bảo đảm sự bình đẳng, bảo vệ lợi ích đối với các đối tượng hưởng thụ giáo dục đại học, chính sách hợp tác công tư và hợp tác quốc tế.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo, giải trình về vấn đề này. Theo đó, để tăng cường trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục đại học, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được điều chỉnh theo hướng đổi mới phương thức đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học thông qua các hình thức đấu thầu, đặt hàng, tín dụng sinh viên; ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực và quốc tế cũng như có cơ chế phù hợp để phát triển một số ngành, vùng đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở GDĐH

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia giáo dục đề xuất, thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục đại học như: Miễn thuế đối với tài sản hiến tặng và các nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục đại học hoặc cấp học bổng cho người học.
 

Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ mục đích quản lý nhà nước là nhằm bảo đảm tính hệ thống, thực hiện chính sách nhà nước đối với giáo dục đại học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, hợp tác quốc tế.

Đồng thời tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển giáo đục đại học. Theo đó, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch; quy định các chuẩn chất lượng, hướng dẫn thực hiện, kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm... và quy định thống nhất về phân công và phân cấp trong giáo dục đại học.

Mặt khác, bổ sung quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học để phục vụ công tác xây dựng chính sách phát triển giáo dục đại học, công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời với việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học thì dần dần cơ chế cơ quan chủ quản của trường đại học sẽ không còn tác động ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của nhà trường.

“Với nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý, Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Đặc biệt quan tâm đến quy định một cách thực tế hiệu quả cho việc xây dựng và quản lý chất lượng đào tạo của hệ thống” - ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ