Nâng cao chất lượng sinh hoạt hè cho học sinh

GD&TĐ - Thời gian nghỉ hè của HS cả nước sắp bắt đầu. Bàn giao HS về sinh hoạt tại địa phương, cộng đồng là công việc thường xuyên, định kỳ của nhà trường, tổ chức Đoàn.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt hè cho học sinh

Không để các em “cô độc” ở nhà, tiếp tục vùi đầu vào chuyện học thêm hoặc sa đà vào các trò chơi thiếu lành mạnh (thậm chí tệ nạn), các em cần có những sân chơi bổ ích, sinh hoạt tập thể ý nghĩa, các lớp học rèn luyện kỹ năng sống thiết thực.

Có thể nói, công tác chỉ đạo của ngành GD, ở các địa phương cũng như chương trình, kế hoạch hoạt động hè cho HS của tổ chức Đoàn được triển khai khá đầy đủ, kịp thời. Vấn đề quan trọng nhất, quyết định là nằm ở khâu thực hiện, đánh giá của các tổ chức Đoàn xã, phường và nhà trường.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức Đoàn xã, phường đã tổ chức hoạt động hè cho HS rất bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, có nhiều nội dung sinh hoạt thiết thực, bổ ích; thu hút, tập hợp được mọi đối tượng tham gia như kỹ năng sinh hoạt tập thể, làm việc theo nhóm, hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường, chăm sóc cây xanh, nghĩa trang liệt sĩ….

Tuy nhiên, bên cạnh những nơi làm tốt, có trách nhiệm, lôi cuốn, ràng buộc được các em hoạt động thì vẫn còn không ít tổ chức đoàn xã, phường làm chưa tốt công tác này, vì nhiều lý do, trong đó kinh phí hoạt động cũng là một vấn đề lớn và phụ thuộc khá lớn và sự ủng hộ đến đâu của lãnh đạo chính quyền địa phương…

Từng tham gia nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo hoạt động hè của thành phố Quảng Ngãi và qua quá trình thực tiễn ở trường học, công tác Đoàn thanh niên, tôi có mấy ý kiến, đề xuất sau đây với mong muốn hoạt động hè dành cho đối tượng HS trên cả nước thật sự hiệu quả, có giá trị GD tốt.

Một là, từng năm, các Ban chỉ đạo, các tổ chức Đoàn nên có đổi mới, cải tiến nội dung và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, chỉ cần chọn từ 1 đến 2 nội dung phù hợp nhất để làm, tránh ôm đồm, dàn trải quá nhiều (để lấy thành tích, bản báo cáo cho đẹp). Ví dụ, năm nay, tập trung vào hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiên tai; năm sau gắn với phong trào vệ sinh, môi trường, nói không với thực phẩm bẩn… Nếu có điều kiện nên tách ra thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau để dễ dàng triển khai, hoạt động hơn.

Hai là, công tác tuyên truyền, GD HS, trách nhiệm của phụ huynh thấy được ý nghĩa, giá trị khi con em tham gia hoạt động hè tại địa phương cần có cách tăng cường, đẩy mạnh trong thời điểm gần cuối năm học. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đưa nội dung này ở cuộc họp phụ huynh cuối năm. Đoàn, Đội nhà trường dành vài tiết tập trung, quán triệt và cho ký cam kết, ràng buộc đến từng HS và phối hợp tốt với tổ chức Đoàn xã, phường để thông báo, theo dõi, quản lý, nhắc nhở.

Ba là, về kinh phí hoạt động, lãnh đạo các huyện, thị, quận, thành phố, ngay từ đầu năm, khi phân bổ ngân sách, cần rạch ròi cụ thể từng gói, trong đó có gói kinh phí dành cho hoạt động hè (trên cơ sở thực tế của hoạt động và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương) để anh, chị, em, tổ chức đoàn xã, phường luôn cảm thấy yên tâm, chủ động từ khâu lên kế hoạch đến tổ chức, thực hiện….

Bốn là, các ban chỉ đạo hoạt động hè thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố cần có sự chỉ đạo, phân công kiểm tra thường xuyên đối với công việc tổ chức hoạt động hè cho HS của Đoàn thanh niên phường, xã. Không để tình trạng tổ chức qua loa, hình thức… khiến HS, phụ huynh mất niềm tin, giảm hứng thú, năm sau có thông báo mà chẳng còn thiết tha đến xã, phường sinh hoạt. Nhất thiết cuối đợt phải có đánh giá, phân loại gửi về các đơn vị trường để tổ chức Đoàn ở đây có cơ sở nhận xét, em nào sinh hoạt tốt, em nào không đi sinh hoạt…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ