Nâng cao chất lượng dạy - học các môn Lý luận chính trị trường ĐH - CĐ

GD&TĐ - Hôm nay (23/1), tại ĐHQG TPHCM, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với ĐHQG TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường ĐH, CĐ”.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) - phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) - phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá và tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường ĐH - CĐ. 

Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo Ban tuyên giáo TW, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Lãnh đạo ĐHQG TPHCM; Hội đồng Lý luận TW cùng các chuyên gia, các nhà khoa học tâm huyết đang công tác tại các trường ĐH-CĐ, các học viện.

Hội thảo cũng đã nhận được 116 tham luận của các các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên, giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đến từ các cơ quan nghiên cứu, quản lý, các trường Đại học, học viện... gửi về. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề và sự quan tâm của các tác giả về một vấn đề lớn của đất nước với.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, việc tổ chức Hội thảo nằm trong lộ trình chung của việc quán triệt triển khai thực hiện Kết luận 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập các môn lý luận chính trị (LLCT) trong hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên…), góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. 

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên LLCT, các nhà quản lý giáo dục phân tích rõ thực trạng và nhu cầu giảng dạy và học tập LLCT ở Việt Nam hiện nay; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn LLCT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng” sáng nay, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, biện giải ở nhiều chủ đề chính của vấn đề như: Những yếu tố tác động đến chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận chính trị ở các trường ĐH - CĐ trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế; Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Lý luận chính trị ở các trường ĐH - CĐ...

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư - chỉ ra việc dạy và học LLCT trong các trường ĐH-CĐ vẫn còn nhiều bất ổn. Trong hàng loạt các bất ổn ấy, điều khiến GS Bảo lo ngại nhất chính là việc mất đi tính chuyên môn hóa sâu, tính chuyên nghiệp bền vững trong giảng dạy các môn Khoa học Mác-Lênin mà giáo dục ĐH đã gây dựng trên nửa thế kỷ mới có được. 

Từ quan niệm ý thức khoa học, đến chương trình, giáo trình và nhất là đến xây dựng đội ngũ giảng viên khoa học chuyên ngành đều ít nhiều có vấn đề. Trong đó, sự tách rời có tính phổ biến giữa dạy - học với nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực LLCT, trước hết và chủ yếu ở đội ngũ giảng viên là điều đáng lo ngại nhất. Hiện nay, giảng dạy đã lấn át nghiên cứu, Nghiên cứu rơi vào hình thức hóa, sơ lược giản đơn hóa và kinh nghiệm hóa một cách thực dụng. 

Từ những bất cập còn tồn tại, GS Bảo kiến nghị 5 giải pháp nhằm vực dậy việc dạy và học LLCT trong các trường ĐH. Theo đó, nhiệm vụ cấp bách làm phải làm thay đổi nhận thức xã hội( chủ yếu là đội ngũ lãnh đạo, CB quản lý), thái độ ứng xử đúng đắn với giáo dục LLCT trong nhà trường.

Xác lập lại vị thế, giá trị của từng môn khoa học như Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa Mác-Lênin. 

Các trường phải công phu huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên theo môn học, theo lĩnh vực chuyên môn hóa của họ, giúp họ nhận thức rõ hơn về LLCT. 

Đặc biệt, các trường phải tạo được môi trường, điều kiện và động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên. Cần có nguồn lực cho việc thu hút giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học về LLCT. 

Cuối cùng, việc thiết kế lại chương trình, biên soạn giáo trình, giáo khoa là việc phải làm ngay theo hướng cơ bản, hiện đại. Đồng thời xây dựng được trung tâm nghiên cứu đủ mạnh làm nòng cốt trong nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ giảng viên. 

Tại Hội thảo, ngoài việc chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc lĩnh hội, giảng dạy LLCT của giảng viên và sinh viên. Các đại biểu cũng đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đúc rút kinh nghiệm trong việc giảng dạy LLCT từ những lý luận thực tiễn triển khai. 

Đồng thời, cùng nhau đưa ra các giải pháp hay, tạo đà cho việc nhân rộng các mô hình giảng dạy, học tập các môn LLCT hiệu quả trong các trường ĐH - CĐ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ