Nâng bước trò nghèo tới trường

Nâng bước trò nghèo tới trường

(GD&TĐ) - Có thể thấy những năm qua, được sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, của những tấm lòng vàng, công tác xã hội hóa đã làm vợi đi những khó khăn của ngành GD&ĐT. Nhờ vậy, những học trò nghèo ở các vùng quê, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số trong các xã bản  xa xôi có áo ấm đến trường, không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở.

Đi học thích hơn ở nhà

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, Hoàng Đức Minh hồ hởi chia sẻ: HS được ở nội trú trong trường thích hơn ở nhà vì được ăn ngon hơn, vui hơn, ở tốt hơn và điều kiện học tập cũng tốt hơn.

Việc vận động hỗ trợ để HS nghèo không phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở là chủ trương hợp lòng dân mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện thành công trong nhiều năm qua. Nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đã giữ vững được sĩ số, giảm tỉ lệ HS bỏ học, tăng tỉ lệ HS chuyên cần. Vì thế tỉ lệ khá giỏi tăng cao hàng năm. Đặc biệt, công tác kiểm tra phong trào “Trường học thân thiện, HS tích cực” của Bộ GD&ĐT ở 11/12 tỉnh, thành phố báo cáo đảm bảo không có học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc hoặc thiếu sách vở.

Mỗi tỉnh tùy theo điều kiện của mình nhưng đều có cách làm hay, sáng tạo nhưng tất cả đều hướng về mục tiêu duy nhất giúp đỡ HS và thầy cô vùng khó có điều kiện dạy và học tốt hơn.

Với cương vị Trưởng Vùng 1, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Lê Xuân Trường cho biết: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ GV, HS vùng khó và cuộc vận động “ba đủ” đạt hiệu quả thiết thực.

Nhóm Sen Xanh tặng phòng học và quà cho HS Nậm Chua - Điện Biên Ảnh B.K
Nhóm Sen Xanh tặng phòng học và quà cho HS Nậm Chua - Điện Biên    Ảnh B.K

Trong năm học này, nhiều tỉnh trong vùng không còn HS bỏ học vì lý do thiếu thốn điều kiện cắp sách tới trường, mặc dù trước đây là những địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao. Tỉ lệ HS bỏ học trong vùng hiện chỉ còn 0,27%. Có được con số này là sự nỗ lực lớn của các tỉnh miền núi phía bắc, vốn được coi là vùng trũng GD, cũng bắt nguồn từ kinh tế xã hội kém phát triển, đời sống nhân dân nghèo nàn, tỉ lệ đói nghèo có nơi chiếm hơn nửa.

Để có được nguồn lực giúp đỡ HS, GV vùng nghèo, mỗi địa phương trong cả nước có cách làm sáng tạo và đạt hiệu quả cao như phong trào “1+1” ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua thực hiện rất thành công. Cụ thể, một nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho một em HS có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Lạng Sơn phát động phong trào Hũ gạo tình thương. Còn tỉnh Yên Bái tất cả các huyện thị đều xây dựng Kho thóc khuyến học nhằm cung cấp nguồn lương thực nuôi HS dân tộc bán trú, nhất là vào lúc giáp hạt thiếu lương thực, kể cả các em hoàn cảnh nghèo, mồ côi không được hưởng hỗ trợ của Chính phủ dành cho HS bán trú.

Hoạt động này cũng được chú trọng ở các tỉnh miền núi, trong đó tiêu biểu như Lào Cai nhiều năm qua, nhờ những kho thóc khuyến học nên vụ giáp hạt HS không còn bị đói. Sự chủ động của ngành GD&ĐT đã nhận được sự quan tâm chặt chẽ của chính quyền địa phương cũng như nhân dân hưởng ứng. Thậm chí, ở tỉnh miền núi này, HS là con em cán bộ có mức đóng góp cao hơn so với HS dân tộc bố mẹ làm nương. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng thi đua, quyên góp ủng hộ cho học trò nghèo đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để nuôi ước mơ học hành.

Chung tay vì HS nghèo

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Luyện Hữu Chung: Toàn tỉnh có hơn 10 ngàn HS dân tộc bán trú, riêng nguồn kinh phí xã hội hóa dành cho các trường phổ thông dân tộc bán trú từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ qui ra tiền mặt khoảng gần 6 tỉ đồng. Nhờ đó, 100% các trường đã tổ chức nấu ăn tập trung cho HS, trong đó có 32/38 trường tổ chức nấu ăn ngày 3 bữa. Tuy nhiên toàn tỉnh cũng có 591 HS thuộc diện đối tượng HS dân tộc bán trú, không hưởng chính sách Nhà nước nhưng được nhà trường nuôi ăn trưa tại trường bằng chính nguồn xã hội hóa.

Để hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện tốt hơn để được đi học, phong trào từ thiện, ủng hộ cho GD vùng khó đã lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Ở Quảng Ninh, ngoài việc vận động hỗ trợ chung từ các nguồn, đang thực hiện hỗ trợ từ ngân sách cho trẻ mẫu giáo, HS, GV ở các khu vực khó khăn. Phong trào “Cho và nhận”- cuối năm, HS tự nguyện đem sách giáo khoa cũ tặng cho HS lớp dưới và nhận của HS lớp trên ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - TP Hồ Chí Minh  đã có hiệu quả nhiều mặt trong giáo dục học sinh.

Phong trào hỗ trợ HS nghèo vượt khó ngày càng hiệu quả, thiết thực và phát triển mạnh ở Sóc Trăng, Nam Định, Thái Bình…vv.

Nhiều trường học ở Thủ đô Hà Nội đã kết nối với các trường học vùng sâu, vùng xa ở Thanh Hóa, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai… quyên góp ủng hộ HS nghèo miền núi thông qua chương trình kế hoạch nhỏ, áo ấm tặng bạn, tặng sách vở. Những chuyến quà đầy ắp tình nghĩa của thầy và trò Trường THDL Đoàn Thị Điểm, THCS Lê Quý Đôn… không chỉ giúp cho học trò nghèo Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa có thêm nghị lực, có điều kiện học tập tốt hơn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là các phong trào này đã giáo dục cho các em HS thành phố, vùng có điều kiện biết yêu thương, chia sẻ khó khăn với bạn nghèo, bồi bổ thêm tương thân, tương ái, cuộc sống biết cho và nhận, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Mô hình “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, tình trạng HS bỏ học giữa chừng của Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) giảm đáng kể. Cách đây hai năm,  trường có 55 em do hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học hoặc chuyển trường, chiếm hơn 5,5% tổng số HS của trường. Thế nhưng, kể từ khi mô hình “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” ra đời từ sự trăn trở của Ban giám hiệu nhà trường, tập thể cán bộ, giáo viên với mong muốn hỗ trợ, tiếp sức các em học sinh nghèo đến trường đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng HS bỏ học giữa chừng.

Được đến trường thực sự là khát vọng, là niềm vui của học trò nghèo. Tuy nhiên cuộc sống của các em vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là học trò vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Để tiếp bước các em được đến trường, rất cần những tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức.

Có thể thấy, công tác khuyến học, khuyến tài ở nước ta trong năm qua phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Hội đã vận động được gần 700 tỉ đồng từ nhân dân, các doanh nghiệp và cá nhân cũng như các tổ chức quốc tế cho phong trào khuyến học. Lần đầu tiên, sau 16 năm hoạt động, số dư trong quĩ khuyến học đã lên tới gần 400 tỉ đồng.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

 Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.