Nan giải bài toán thiếu trường lớp cho học 2 buổi/ngày ở Tiểu học

GD&TĐ - Theo Nghị quyết HĐND TP Đà Nẵng, năm học 2015 – 2016, 100% HS tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, cho đến năm học 2017 – 2018 vừa qua, mới chỉ có 6/7 quận, huyện có 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày và các trường tiểu học đã tận dụng hết khả năng hiện có như sử dụng tất cả các phòng chức năng để làm phòng học hoặc tăng sĩ số HS/lớp. 

Giờ học thể dục của HS Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Giờ học thể dục của HS Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Năm học 2018 – 2019 này, số lớp chỉ được học 1 buổi/ngày của quận Liên Chiểu sẽ không chỉ dừng ở con số 50 như năm học 2017 – 2018 mà còn tăng lên khi số HS lớp Một tuyển mới tăng đột biến.

“Đuổi hình bắt bóng”

Đầu năm học 2015 - 2016, Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã phải chia tách Trường Tiểu học Võ Thị Sáu từ Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên do sĩ số HS của trường này đã lên đến 1.500 học sinh với chỉ 21 phòng học. Ở giai đoạn 1, Trường Võ Thị Sáu được đầu tư xây dựng 17 phòng học nhưng chưa xây khu hiệu bộ nên tạm thời, 4 phòng học được trưng dụng để làm việc.

Sang đến giai đoạn 2, trường được đầu tư xây dựng thêm 11 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 26 phòng nhưng vẫn tiếp tục không được xây dựng khu hiệu bộ. Vì vậy, trong số 26 phòng học, nhà trường đành sử dụng 5 phòng để vừa làm phòng làm việc cho Ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ, văn phòng và một phòng Tin học. Do chỉ được đầu tư xây dựng phòng học nên hiện Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vẫn không có thư viện, phòng họp hội đồng và các phòng chức năng.

Sĩ số HS của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trong năm học 2017 – 2018 là 825 HS, trừ đi số HS lớp 5 ra trường và nhà trường tuyển mới 148 HS lớp 1 thì tổng số HS toàn trường là gần 980 HS. Để đảm bảo phòng học cho HS, nhà trường phải dùng đến giải pháp tăng sĩ số HS của mỗi lớp, bình quân khoảng 46HS/lớp, vượt xa so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Số HS nhập học đầu mỗi cấp học của quận Liên Chiểu tăng nhanh qua từng năm. Chỉ tính riêng quận Liên Chiểu, trung bình mỗi năm, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo trên địa bàn quận tăng khoảng 1.000 em, ở bậc tiểu học tăng khoảng 400 – 500 HS nên số phòng học được đầu tư xây dựng mới ở quận Liên Chiểu không “đuổi kịp” với tốc độ tăng dân số cơ học.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, đối với những khu vực có biến động lớn về dân cư do tăng dân số cơ học, ngành GD-ĐT cần phải có sự phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát, thống kê và làm tốt khâu dự báo để có cơ sở xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất, trường học để chủ động trong xây dựng, đảm bảo phục vụ công tác dạy - học, tránh tình trạng “đuổi hình bắt bóng” như hiện nay.

Trong năm 2015, quận Liên Chiểu được UBND TP Đà Nẵng đầu tư xây mới 32 phòng học tại các trường tiểu học Phan Phù Tiên, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (8 phòng) và Tiểu học Trưng Nữ Vương (12 phòng). Trong năm 2016, quận Liên Chiểu được UBND TP Đà Nẵng đầu tư xây mới 41 phòng học tại các trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Tiểu học Triệu Thị Trinh, Tiểu học Hồng Quang, Tiểu học Âu Cơ, Tiểu học Duy Tân, Trần Bình Trọng, Tiểu học Hải Vân.

Chính vì vậy, để đảm bảo đủ phòng học cho những năm tới, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu đã kiến nghị UBND quận xúc tiến việc xây dựng mới trường học để tách các trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Phan Phu Tiên, THCS Nguyễn Lương Bằng, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm giảm tình trạng sĩ số HS/lớp vượt mức quy định.

Phá vỡ cảnh quan trường học

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, năm học 2018 – 2019 sắp tới, các trường Tiểu học trên địa bàn quận vẫn duy trì được tỉ lệ 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, để giữ vững được tỉ lệ đó, các trường phải tận dụng hết các khả năng hiện có để phục vụ học tập, như sử dụng phòng tuyền thống, các phòng chức năng, thư viện… để làm phòng học. Một số trường như Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Tiểu học Tây Hồ còn phải ngăn tiền sảnh thành các phòng học. Sớm nhất là đến năm 2019, khi xây dựng khối nhà phòng học với 15 phòng học được triển khai và đưa vào sử dụng thì Trường Tiểu học Trần Văn Ơn mới có thể không phải ngăn sảnh chơi của HS để làm phòng học.

Một giải pháp khác mà các trường tiểu học ở địa bàn quận trung tâm Hải Châu áp dụng là tăng sĩ số HS, như Trường Tiểu học Núi Thành, sĩ số HS trung bình là từ 42 – 44 HS/lớp.  

Ông Nguyễn Đình Vĩnh – GĐ Sở GD&ĐT cho biết, Đà Nẵng đã và đang nỗ lực hết sức để số lượng HS tiểu học được học chương trình 2 buổi/ngày ở mức cao nhất. Để giảm bớt áp lực về phòng ốc, ngoài bài toán đầu tư CSVC, xây thêm phòng học, ngành GD-ĐT chủ trương khuyến khích các trường THPT ngoài công lập hiện đang khó khăn về nguồn tuyển chuyển sang loại hình trường 3 cấp, tuyển HS bậc tiểu học. Đến nay đã có một số trường như Trường THPT Quang Trung, Trường THPT Khai Trí nhưng các trường này chưa triển khai tuyển sinh bậc tiểu học.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã kiến nghị với UBND TP Đà Nẵng một số giải pháp như điều tiết địa bàn tuyển sinh của các trường tiểu học trong cùng địa bàn quận, huyện để giảm bớt áp lực cho các trường tiểu học ở khu vực trung tâm. Như năm học 2017 – 2018, Phòng GD&ĐT Hải Châu đã phải điều tiết 141 HS lớp Một tuyển mới sang học ở trường Tiểu học Phan Thanh; mùa tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2018 – 2019 sắp tới, 36 HS trong tuyến tuyển sinh của Trường Tiểu học Núi Thành được điều tiết sang Trường Tiểu học Hùng Vương và Phan Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ