(GD&TĐ) - Chiếm khoảng 54% tổng số người di cư, là lực lượng lao động có những đóng góp lớn tại các đô thị, tuy nhiên họ lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận với an sinh xã hội và các dịch vụ công... Cần xoá bỏ những rào cản về nhận thức và cơ chế để phụ nữ di cư ở khu vực kinh tế phi chính thức có điều kiện làm việc, được hưởng chế độ ASXH một cách công bằng và bình đẳng với người dân có hộ khẩu thường trú.
ASXH cho lao động nữ di cư rất cần được quan tâm |
Khảo sát trên 345 nữ lao động di cư tại 3 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh và TP HCM do Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương thực hiện cho thấy, về bảo hiểm xã hội, có sự khác biệt rất lớn giữa phụ nữ di cư làm công nhân và phụ nữ lao động tự do. Trong khi hơn 67% nữ công nhân có BHXH thì chỉ có chưa đến 29% nữ di cư lao động tự do có hình thức bảo hiểm này. Tìm hiểu sâu hơn về BHXH của lao động tự do cho thấy hầu hết những phụ nữ này có BHXH là do được tham gia bảo hiểm cho những công việc trước đây, hoặc là đã có bảo hiểm từ nơi xuất cư.
Theo PGS, TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, liên quan đến tham gia BHXH cho đối tượng lao động nữ, có một vấn đề đặc thù là chế độ thai sản. Theo quy định, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: lao động nữ mang thai, lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con dưới 4 tháng tuổi, người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản. Trong các trường hợp này, phụ nữ được hưởng những quyền lợi riêng về ngày nghỉ, thời gian làm việc, phụ cấp.
Tuy nhiên, phụ nữ di cư làm việc trong khu vực phi chính thức không phải là đối tượng thụ hưởng chính sách thai sản do không có BHXH. So với BHXH thì BHYT có ý nghĩa thực tế ngay trong giai đoạn hiện tại khi người lao động có vấn đề về sức khoẻ và sử dụng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, có gần 1/2 phụ nữ lao động di cư không có BHYT. Điều đó có nghĩa là ít nhất 1/2 phụ nữ lao động di cư phải chi tiền túi khi cần phải sử dụng các dịch vụ y tế mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Đây là một rủi ro lớn với phụ nữ, nhất là với những trường hợp chi phí chăm sóc y tế cao.
Một vấn đề khác, trong mẫu khảo sát, hơn 60% phụ nữ di cư là ở trong độ tuổi từ 15 đến 29, đồng thời hơn ½ phụ nữ di cư đã lập gia đình. Với đặc thù này, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho họ là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ di cư đều rất ít khi đi khám sức khoẻ, trừ khi khám sức khoẻ là yêu cầu của người sử dụng lao động khi tuyển dụng. Khảo sát cũng cho thấy những đối tượng này cũng ít được tiếp cận giáo dục. Tiếp cận với giáo dục đối với phụ nữ di cư gồm 2 khía cạnh: bản thân phụ nữ di cư có cơ hội được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và con cái đi kèm của phụ nữ di cư có khả năng tiếp cận với giáo dục tại nơi đến. Ở cả hai khía cạnh này, kết quả khảo sát đều đưa ra một bức tranh không tích cực, thậm chí là đáng lo ngại về khả năng tiếp cận với dịch vụ giáo dục đối với phụ nữ di cư và con cái của họ. Hầu hết phụ nữ di cư đều không có cơ hội để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Một trong những rào cản lớn là quỹ thời gian còn lại của phụ nữ quá eo hẹp. Thời gian làm việc trung bình của phụ nữ di cư là 9,2 giờ/ngày và gần như không có ngày nghỉ cuối tuần.
Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt cao đi đôi với thu nhập thấp nên khó đảm bảo để phụ nữ di cư có thể trang trải được sinh hoạt phí, gửi tiền về gia đình tại nơi xuất cư mà vẫn đủ tiền đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề. Đối với các nữ lao động di cư có con nhỏ đi cùng, kết quả khảo sát cho thấy trẻ gặp nhiều khó khăn về học phí, về trường học và các thủ tục cho trẻ đến trường. Do không có hộ khẩu thường trú nên lao động nữ di cư phải gửi con em của họ đến các cơ sở tư nhân. Vấn đề đáng bàn là chất lượng của những cơ sở này không theo tiêu chuẩn chính thức nào, chủ yếu chỉ là mang tính tự phát ở quy mô nhỏ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Anh Quang