Nam sinh thành thạo 10 ngôn ngữ chỉ ra 5 cách học ngoại ngữ không hiệu quả

Gặp gỡ nhiều bạn bè học ngoại ngữ, tôi nhận thấy tình huống chung như sau: Sau khi lên kế hoạch học ngôn ngữ mới, bạn tự tìm hiểu hoặc được người quen giới thiệu một vài phương pháp học "không thể bỏ qua" như đăng ký khóa học, xem phim, nghe nhạc.

Hân hoan trong suy nghĩ "học mà chơi", bạn thất vọng sau 2-3 tuần khi không thể nghe hiểu ngoại ngữ, ghi nhớ quy tắc ngữ pháp. Ngay cả khi thử những phương pháp tôi không nêu ra, bạn vẫn không cảm thấy hứng thú với việc học. Và bạn từ bỏ việc học ngoại ngữ.

Hầu hết phương pháp học ngoại ngữ phổ biến nhưng bạn áp dụng không có hiệu quả là bởi đã quên mất quy tắc quan trọng nhất. Bạn không thể chỉ học ngoại ngữ mà phải sử dụng nó.

Tôi sẽ giải thích lý do tại sao các phương pháp học ngoại ngữ phổ biến không hoạt động hiệu quả và điều chỉnh cách tiếp cận của bạn để cải thiện vấn đề này.

1. Đăng ký khóa học ngoại ngữ

Tôi cho rằng lớp học không phải môi trường tốt nhất để học ngoại ngữ. Việc dành phần lớn thời gian nghe người khác nói về ngôn ngữ đang học, ít có thời gian được sử dụng sẽ khiến bạn tiếp thu thụ động. Và nếu không chủ động học ngoại ngữ, bạn sẽ không thể chinh phục nó.

Nếu tham gia khóa học ngoại ngữ, bạn cần tâm niệm hai từ "trách nhiệm". Đó là trách nhiệm với số tiền bạn đã bỏ ra để đăng ký học, trách nhiệm với kiến thức bạn thu thập được, trách nhiệm với mục tiêu học ngôn ngữ của bạn. 

Thay vì thụ động để người khác dẫn dắt quá trình học trên lớp, bạn có trách nhiệm phải làm chủ thời gian học bằng một số gợi ý như:

- Tự học: Nếu thực hành nghe, nói trên lớp không nhiều, bạn phải bỏ thêm thời gian ở nhà để tự luyện. Song song với đó là ôn tập ngữ pháp, đọc thêm sách báo để tăng kỹ năng đọc hiểu, viết về chủ đề bất kỳ để tăng khả năng viết.

- Luyện nói: Ở các lớp học ngoại ngữ, cơ hội được luyện nói không nhiều. Thậm chí, nhiều bạn không có cơ hội học tập với người bản ngữ. Vì vậy, bạn nên luyện tập nói với bạn bè hoặc với người bản xứ thông qua ứng dụng ngôn ngữ như iTalki.

2. Xem phim và chương trình TV

Xem phim, chương trình TV được ca ngợi là chiến lược học tiếng Anh thú vị, sinh động khi kết hợp "học mà chơi". Tuy nhiên, phương pháp này vô tình đánh thức sự lười biếng trong người học. 

Không ít người suy nghĩ rằng chỉ cần dành 8 tiếng một ngày xem hết chương trình, bộ phim là có thể làm chủ ngôn ngữ. Nó hạn chế việc người học chủ động tìm kiếm, rèn luyện ngôn ngữ.

Gợi ý đầu tiên của tôi là đừng chỉ xem phim, hãy nghiên cứu nó. Thay vì để bộ phim trôi qua, bạn hãy chú ý đến những cấu trúc, từ vựng mà các nhân vật thảo luận. Đôi khi bạn sẽ gặp một vài từ lóng, hãy ghi nhớ chúng để áp dụng trong giao tiếp thông thường.

Tiếp đó, đừng xem bộ phim liền mạch. Chẳng hạn, một bộ phim kéo dài 2 tiếng là quá sức đối với người học vì bạn không thể tiếp thu số lượng từ vựng, cấu trúc nhiều như vậy. 

Hãy chia bộ phim thành các phân đoạn ngắn từ 10 phút trở xuống, xem đi xem lại nhiều lần cho đến khi bạn thực sự học được điều gì đó. Bạn không nhất thiết phải xem hết cả bộ phim mà có thể chọn học phân đoạn yêu thích.

Cuối cùng, đừng quên vận động. Hầu hết mọi người xem phim chỉ ngồi yên một chỗ nhưng bạn hãy thử nhại giọng, biểu cảm khuôn mặt, động tác giống nhân vật. Điều này giúp việc học trở nên sinh động, tự nhiên.

3. Nghe nhạc

Tương tự xem phim, chương trình TV, nghe nhạc được coi là con đường "trải hoa hồng" đến với ngoại ngữ. Nhưng thú thực, nghe nhạc không hiệu quả với tất cả mọi người. 

Âm nhạc được tạo ra từ giai điệu nên rất khó nghe rõ cách phát âm chuẩn của từ vựng. Để học hiệu quả từ âm nhạc, bạn hãy hát theo, nghe lặp lại các đoạn yêu thích.

4. Đọc sách

Khi tôi mới học tiếng Tây Ban Nha, tôi đọc cuốn El señor de los anillos (Chúa tể của những chiếc nhẫn). Tay lăm le cuốn từ điển, mắt dõi theo sách ngoại văn nhưng tôi mất nguyên một tuần chỉ đọc được 2 trang vì quá chán và khó.

Học ngoại ngữ bằng việc đọc sách là phương pháp bổ ích nhưng giống như nghe nhạc, xem phim, nó chỉ là sự bổ khuyết cho việc học. Tôi khuyên bạn khi mới học nên chọn những cuốn sách có vốn từ vựng, ngữ pháp đơn giản hoặc chọn cuốn sách yêu thích của bạn trong tiếng mẹ đẻ.

Đầu tiên, hãy chia nhỏ cuốn sách thành các chương, đoạn và đọc cẩn thận từng văn bản. Chọn cuốn sách ngoại văn có bản tiếng mẹ đẻ mà bạn gần như đã thuộc lòng, đọc lướt qua cuốn ngoại văn đó để đánh giá bạn có thể hiểu bao nhiêu phần trăm mà không cần nghiên cứu kỹ. 

Sau đó, ghi chú lại những từ bạn thấy xuất hiện nhiều lần nhưng không biết nghĩa và lôi ra học, thử đặt câu, vận dụng nói vào thời gian rảnh.

5. Thiếu tương tác với người bản ngữ

Do tâm lý hoặc điều kiện, người học ngoại ngữ thường chỉ luyện tập với bạn học, ít hoặc hầu như không tương tác với người bản ngữ. Việc luyện tập với bạn bè là điều bổ ích nhưng bạn sẽ không thể tiến bộ nhanh. Người phù hợp nhất để luyện tập vẫn nên là người bản ngữ.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ