Nam sinh 9X tâm huyết dạy trẻ tự kỷ

Hai năm nay, Vũ Hữu Hoàng Việt (SN 1993) sinh viên năm cuối khoa Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, gắn bó với công việc làm thêm khá đặc biệt là dạy trẻ tự kỷ.

Nam sinh 9X tâm huyết dạy trẻ tự kỷ

Hữu Hoàng Việt biết đến công việc dạy trẻ tự kỷ khi xem bạn thân đứng lớp. Việt kể: “Chứng kiến bạn thân dạy học, mình nghĩ công việc này đơn giản, ai cũng có thể làm được. Mình quyết định đăng kí một khóa học dạy trẻ tự kỷ để trở thành thầy giáo”.

Tuy nhiên, sau ba tháng theo học, được trang bị các kĩ năng và tri thức dạy trẻ tự kỷ, Việt nhận ra công việc không đơn giản như suy nghĩ lúc đầu.

Quá trình va đập thực tế khiến Việt thấm thía hơn sự gian nan của hoạt động giáo dục đặc biệt này. Việt chia sẻ về trường hợp bé Duy (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Cậu bé luôn la hét, đập phá, đánh mọi người khi mọi chuyện không theo ý muốn.

“Rất nhiều lần, đang học, Duy xông vào cào cấu mình, xé bảng chữ cái, xé tranh học. Mình bực đến mức quát và mắng cậu bé. Phản tác dụng, Duy càng đánh mình dữ hơn”, Việt kể.

Hay trường hợp bé Tuấn (Láng Hạ, Hà Nội) đón thầy giáo mới trong buổi học đầu tiên bằng màn ăn vạ, lăn ra giữa nhà khóc. Những buổi tiếp theo, đến giờ học, bé Tuấn lại áp dụng “chiêu” cũ, nhất định không chịu học.

Những trường hợp như thế khiến Việt lúng túng, cảm thấy áp lực, mệt mỏi, muốn từ bỏ. Nhưng mỗi lần có ý định từ bỏ, Việt lại nhớ đến những chia sẻ của phụ huynh có con tự kỷ.

Đi trên đường, chứng kiến các em nhỏ vui chơi, chạy nhảy, lại chạnh lòng nhớ đến học sinh, thương các em hơn Việt lại quyết tâm tìm phương pháp dạy trẻ tự kỷ.

Hữu Hoàng Việt tích cực tham gia các buổi chuyên đề, hội thảo về trẻ tự kỷ. Cậu đọc sách, tra cứu mạng, tìm gặp các thầy cô, anh chị đi trước để học hỏi kinh nghiệm. Việt nhận ra rằng, trước đó bản thân chưa chú trọng đến xúc cảm và nhu cầu xã hội của trẻ.

Việt thay đổi cách tiếp cận và dạy. Với trường hợp của Duy, cậu bé định đánh mọi người và đập phá, Việt giữ và ôm bé lại, nhẹ nhàng bảo: “Duy ngoan lắm. Duy không đánh mọi người đâu. Duy cũng không đập phá mọi thứ “.

Việt xòe tay bé ra, đặt vào que kẹo mút và nhanh chóng hướng Duy đến những trò chơi tương tác. Sau một thời gian, Duy trở nên “hiền lành”.

Với Tuấn, Việt thay đổi không gian học. Thay vì quẩn quanh trong nhà, Việt dẫn bé ra công viên. Cậu bé hào hứng hẳn, không còn “ăn vạ” khi thầy giáo đến. Tuấn cũng biết chào hỏi những người xung quanh, biết “cảm ơn” khi được giúp đỡ, biết “xin lỗi” khi làm điều chưa đúng.

Hạnh phúc của Việt còn là sau 5 tháng dạy, bé Dương ở khu đô thị Trung Yên, từ một cậu bé không có phản ứng với mọi thứ đang diễn ra xung quanh, biết biểu lộ niềm vui bằng ánh mắt, bằng ngôn ngữ cử chỉ khi gặp thầy giáo, khi bố mẹ về.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.