Nam Phi: Cấp chứng chỉ sớm khi hoàn thành lớp 9 vì tỷ lệ bỏ học cao

Nam Phi: Cấp chứng chỉ sớm khi hoàn thành lớp 9 vì tỷ lệ bỏ học cao

Tỷ lệ bỏ học cao

Theo thống kê, mỗi năm, có tới hơn 300.000 HS tại Nam Phi bỏ học sau khi hoàn thành hết lớp 9. Lý do được cho là bởi, một số HS không có ý định học lên mức độ cao hơn, trong khi nhiều người học lại quyết định từ bỏ vì khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, nhiều HS nghỉ học ở giai đoạn này vẫn thất nghiệp trong nhiều năm. Tại Nam Phi, khoảng 1/2 dân số dưới 25 tuổi đang rơi vào tình trạng thất nghiệp, khi phải sống trong một nền kinh tế được nhận xét là không mấy phát triển và thiếu công nhân lành nghề.

Một số nhà phê bình cho rằng, chứng chỉ mới có thể sẽ là tác nhân khuyến khích nhiều HS Nam Phi bỏ học hơn. Tuy nhiên, theo ông Nhlanhla Mbatha - Giáo sư Kinh tế, Khoa Lãnh đạo Kinh doanh (Unisa) thuộc Trường ĐH Nam Phi, việc bổ sung chứng chỉ mới là một động thái tích cực.

“Tôi cho rằng, chứng chỉ mới này sẽ có tiềm năng trong việc cải thiện chất lượng cũng như cấu trúc của ngành GD bằng cách hỗ trợ việc làm cho thế hệ thanh niên và nền kinh tế quốc gia”, ông Mbatha nhận định.

Cũng theo GS Mbatha, chứng chỉ GD phổ thông sẽ là một bằng cấp chính thức mà những HS quyết định thôi học có thể sử dụng để ghi danh vào các trường CĐ và đào tạo kỹ thuật hoặc để tìm kiếm việc làm.

Thông thường, sau khi học hết lớp 9, HS có thể tiếp tục theo học từ lớp 10 đến lớp 12, hoặc có thể theo học ngành đào tạo nghề hay kỹ thuật tại các trường CĐ. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai thường không mấy phổ biến tại Nam Phi.

Trong cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2015 có tên “Xu hướng nghiên cứu trong khoa học và toán học quốc tế”, có hơn 70% HS lớp 9 tại Nam Phi cho biết muốn có bằng chứng nhận dưới dạng chứng chỉ, bằng tốt nghiệp hoặc bằng ĐH.

Cũng theo khảo sát, chỉ 4% người học Nam Phi dự định nộp đơn vào các trường Cao đẳng GD và Đào tạo sau lớp 9. Lý do của tình trạng này bao gồm nhận thức còn yếu kém của HS về các lựa chọn đào tạo khác. Tình trạng này được cho là một vấn đề lớn ở quốc gia luôn nằm trong số những nước có điểm thi thấp nhất trên thế giới.

Chia sẻ với truyền thông, GS Mbatha cho hay, môi trường GD Nam Phi không cho phép những người trẻ nhận thức được tiềm năng của họ. “Để thay đổi điều này, những kỹ năng tối thiểu mà HS cần có để được cấp chứng chỉ mới sẽ cần được làm rõ ràng.

Những môn học được chọn để đánh giá phải là những bộ môn được xã hội coi trọng và phải cho thấy dấu hiệu của sự thành công ở người học trong các chương trình học nghề hoặc thị trường lao động”, ông Mbatha nói.

Cũng theo vị GS này, một trong những tác dụng tích cực của chứng chỉ mới là chất lượng giảng dạy ở các lớp thấp hơn trong hệ thống GD sẽ được cải thiện, khi nhà trường và giáo viên phải nỗ lực giúp HS đạt kết quả tốt hơn trong các kỳ thi chứng chỉ lớp 9.

Cần hỗ trợ kinh phí

Theo các chuyên gia GD, khi các trường CĐ nghề đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống GD, những tổ chức này sẽ có nhiều cơ hội trong việc cung cấp đào tạo có liên quan đến các lĩnh vực như nông nghiệp, kinh doanh, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, điều này được cho là chỉ có thể xảy ra nếu các trường nhận được nhiều tài trợ hơn.

Ngoài ra, không ít người cũng cho rằng, nếu chứng chỉ mới trở thành bằng cấp chung để người học được nhận vào các trường CĐ, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, khả năng cao là sẽ ít HS hoàn thành hết lớp 12.

Tuy nhiên, các nhà phê bình nhận định, nhiều cơ sở đào tạo nghề của Nam Phi chưa được trang bị đầy đủ để có thể đào tạo lượng lớn HS có chứng chỉ mới. Trái lại, GS Mbatha cho rằng, chứng chỉ mới sẽ mang lại động lực để chính phủ cũng như các tổ chức GD cải thiện chương trình giảng dạy và cách thức quản lý.

Nói về những ý kiến cho rằng, một vấn đề đáng lo ngại khác là chứng chỉ mới sẽ khuyến khích tỷ lệ bỏ học cao hơn, GS Mbatha cho hay: “Điều này có thể đúng với những người học muốn tham gia vào thị trường việc làm, nhưng hiện vẫn ở lại trường vì các em không có lựa chọn thay thế. Chứng chỉ mới sẽ cung cấp cho những HS này một cái gì đó để thể hiện khi muốn tiến vào thị trường việc làm”.

Cũng theo GS Mbatha, với nhiều lựa chọn được thực hiện theo quy trình rõ ràng hơn, việc rời khỏi con đường học vấn để đi theo hướng đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật không thể được coi là bỏ học hoàn toàn khỏi hệ thống GD.

“Chất lượng của chứng chỉ mới nên cung cấp cho HS sự lựa chọn đa dạng giữa các loại chương trình kỹ thuật và dạy nghề khác nhau. Chúng nên bao gồm bằng cấp nghề nghiệp và thương mại ngắn hạn thông qua các trường CĐ tư thục, thay vì chỉ có các chương trình kỹ thuật 3 năm thường được cấp tại những trường CĐ công lập”, ông Mbatha nhấn mạnh.

Do đó, vị GS này nhận định, điều này có nghĩa là tất cả các chương trình đào tạo nghề phải có khả năng tài chính tốt, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Các chuyên gia tại Nam Phi cho rằng, sự gắn kết về tầm nhìn, chính sách và thực thi giữa Bộ GD cơ bản với Bộ GD và Đào tạo ĐH là những yếu tố cần thiết để ngành GD nước này có chất lượng tốt hơn. Cũng theo các chuyên gia, cả hai cơ quan chính phủ này phải tìm ra chiến lược phù hợp để có thể hợp tác với khu vực tư nhân, nhằm bảo đảm rằng, GD và đào tạo luôn phù hợp với nhu cầu kinh tế.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ