Năm học mới, Hà Nội cần đi trước, về trước ít nhất 2 lĩnh vực Ngoại ngữ và Tin học

GD&TĐ - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đối với GDMN, GDPT, GD thường xuyên và GD chuyên nghiệp do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hôm nay (12/8).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao quà cho học sinh đạt giải quốc tế của Hà Nội
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao quà cho học sinh đạt giải quốc tế của Hà Nội

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng đại diện ban, ngành, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế của Thủ đô… tham gia hội nghị.

Theo Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga, năm học 2013-2014, ngành GD Thủ đô đã đạt được thành tích đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng GD, kiên cố hóa, mở rộng trường lớp. Cụ thể, trong năm vừa qua, quy mô mạng lưới trường lớp của Hà Nội phát triển đa dạng. 

Bên cạnh việc xây mới 45 trường học các cấp, thành phố cũng dành kinh phí để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tính đến tháng 12/2013, thành phố đã hoàn thành 134 trường chuẩn. 

Từ đầu năm 2014 đến nay có thêm 20 trường được công nhận. “Với 2.552 trường học và cơ sở GD, thành phố đã huy động gần 1,6 triệu học sinh đến trường”, bà Nga trao đổi.

Cũng theo bà Nga, năm học 2013-2014 là năm đáng nhớ với ngành GD&ĐT Hà Nội bởi tình trạng “trắng” trường đã được khắc phục, nâng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo đến trường. 

Tháng 12/2013, Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Hà Nội về đích trước kế hoạch của thành phố 1 năm và trước 2 năm so với toàn quốc là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ giáo viên MN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng không đồng bộ về cơ cấu giáo viên, chất lượng giáo viên chưa đồng đều. Tại một số đơn vị còn để xảy ra tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm không đúng quy định. 

Tại các quận nội thành, tỷ lệ học sinh/ lớp còn cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm để duy trì và phát huy kết quả của trường chuẩn ở một số ít quận/huyện chưa được quan tâm đúng mức… 

“Đây là những điểm yếu cần khắc phục trong năm học tới”, bà Nga nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận và biểu dương những thành tích ngành GD Thủ đô đạt được trong năm học vừa qua. Thành tích giữ vững chất lượng GD đại trà, GD mũi nhọn tiếp tục duy trì ở vị trí “top” đầu (137 giải quốc gia, 18 giải quốc tế, trong đó có nhiều giải cao) là bằng chứng thể hiện sự giữ vững “phong độ” của ngành GD Thủ đô. 

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những thành quả của ngành GD&ĐT Hà Nội góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh, sự tiến bộ của nền GD quốc gia về đổi mới, cải thiện chất lượng GD. Điều này thể hiện nhận thức mới, thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Đảng - Nhà nước, nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT đồng thời cũng thể hiện cách làm mới, quyết tâm mới của ngành GD Thủ đô.

Chuẩn bị năm học mới, bên cạnh việc phát huy thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội giải quyết triệt để những bức xúc của xã hội (lạm thu, dạy thêm học thêm); Bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo để chuẩn bằng cấp gắn liền với chuẩn trình độ - năng lực. 

Đặc biệt, Hà Nội cần đi trước, về trước ít nhất 2 lĩnh vực (Ngoại ngữ và Tin học) để xứng đáng là đầu tầu GD của cả nước.

- Năm học 2014 - 2015, Hà Nội phấn đấu huy động 35% trẻ nhà trẻ ra lớp, 95% với trẻ mẫu giáo. Giảm tỷ lệ trẻ MN suy dinh dưỡng xuống dưới 7%.

- Giữ vững kết quả phổ cập GD các cấp. Năm 2015, đảm bảo 90% trẻ tiểu học được học 2 buổi/ngày và tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn ở mức 50-55% đồng thời triển khai thí điểm 27 trường chất lượng cao ở các cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.