Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng cần quán triệt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư, Nghị quyết 32/2016/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên các địa bàn xã nghèo, khó khăn, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất hợp lý. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin; nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân; xác định rõ mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo cho nhân dân trong những năm tới.
Căn cứ Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và điều kiện, thế mạnh của địa phương, tiếp tục rà soát, xác định những nội dung ưu tiên, quy mô, lộ trình và các giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; xây dựng nông thôn mới Nam Đàn phải đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An, với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trên địa bàn huyện; UBND tỉnh Nghệ An ưu tiên huy động nguồn lực giúp huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và phấn đấu huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng, tập trung vào sản xuất, sinh kế, đời sống, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đô thị văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con nông dân để vươn lên làm giàu; thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng công tác xuất khẩu lao động. Tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Đồng thời, gắn với việc đánh giá phân loại hộ nghèo theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm công nghệ thông tin.
Tăng cường phát triển kinh tế hợp tác, phân công chỉ đạo, quản lý và theo dõi các loại hình hợp tác xã đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác các cấp, gắn phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, xây dựng làng nghề, thành lập phát triển hợp tác xã làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.