Năm 2021 Việt Nam có 841 trận thiên tai, ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng

GD&TĐ - Chiều 30/12, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị. Báo TNMT.
Quang cảnh Hội nghị. Báo TNMT.

Năm 2021, thiên tai xảy ra khốc liệt, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại Việt Nam, có 841 trận thiên tai, với 18 loại hình trên tổng số 22 loại hình thiên tai, trong đó, 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với năm 2020 thiên tai làm 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng, thì năm 2021 là năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, cũng như đề xuất giải pháp phòng chống thiên tai trong năm 2022, các đại biểu cho rằng, các loại hình thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… vượt mốc lịch sử trong năm 2021 tiếp tục tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước. Đây là những thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác này phải ngày càng hiệu quả và quyết liệt hơn.

Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, năm 2021, hơn 60.000 lượt người với hơn 6.000 phương tiện các loại đã tham gia tìm kiếm cứu nạn 15.544 vụ, qua đó cứu được 2.050 người và 161 phương tiện.

Thiếu tướng Lã Đại Phong cho biết, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai còn tiếp tục diễn biến phức tạp cực đoan, khó lường thời gian tới, trong khi các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu và hạn chế, và đâu đó vẫn còn tâm lý chủ quan của người dân đối với những thiên tai lớn. Trong công tác phòng chống thiên tai, việc cảnh báo, dự báo phải kịp thời, đặc biệt là việc ứng phó và xử lý nhanh những vấn đề khẩn cấp một cách đồng bộ để thích ứng với diễn biến bất thường của thiên tai.

Ông Lã Đại Phong nhấn mạnh, nhiệm vụ phòng chống, ứng phó hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng nặng nề, vì vậy cần đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát thiên tai để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo báo động. Đặc biệt cần chú trọng luyện tập và diễn tập ứng phó với tình hình mưa lũ với các kịch bản phải sát với tình hình và diễn biến của thiên tai.

Theo ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần nâng cao hiệu quả bộ máy phòng chống thiên tai ở địa phương. Theo đó, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ phòng chống thiên tai ở địa phương, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở. Hiện nay, nhiều người dân còn phải sinh sống ở những khu vực nguy cơ cao về thiên tai, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể di dời người dân đến nơi ở an toàn.

Ông Giang đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai đưa chương trình tạo sinh kế và khắc phục hậu quả sau thiên tai là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và những năm sau này.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tham mưu phục vụ chỉ đạo và điều hành phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Cần tập trung cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiên tai. Giai đoạn tới phải chuyên nghiệp hóa nhiều hơn để thành quy trình, giành nguồn lực đầu tư để việc phòng chống thiên tai được bền vững, lâu dài. Nguyên tắc phòng ngừa là quản lý rủi ro, cần phải tập trung rà soát lại quản lý rủi ro và xác định việc cần làm ưu tiên theo từng vùng, miền và địa phương.

Cũng tại hội nghị, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho 84 tập thể, và 81 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ