Năm 2018 - Đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Năm 2017, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có những bứt phá mạnh mẽ trong công tác đào tạo và tuyển sinh, từng bước tạo niềm tin cho xã hội về học nghề gắn với tương lai và việc làm bền vững. Trước thềm năm mới, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân về những bước chuyển mới của GDNN.

Năm 2018 - Đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp

- Trong năm 2018, được biết Bộ LĐ – TB&XH sẽ tập trung đột phá trong GDNN, theo Thứ trưởng chúng ta cần tập trung và ưu tiên những giải pháp nào?

Về tổng thể các giải pháp đồng bộ đã được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến 2030” đang trình Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới quản lý GDNN, ứng dụng CNTT trong quản lý và đào tạo. Đổi mới quản lý Nhà nước sẽ được thực hiện theo hướng giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào các hoạt động của cơ sở GDNN, đảm bảo cơ sở GDNN hoạt động tự chủ...

Thứ hai, đổi mới chương trình, tổ chức hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu. Nhà trường chỉ tuyển sinh khi xác định rõ người học sẽ thực hành, thực tập ở đâu? Sẽ làm việc ở đâu? Tuyển sinh đi liền với tuyển dụng của doanh nghiệp. Đổi mới phải đảm bảo đồng bộ giữa chọn nghề, chọn trường và chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới... Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, trên cơ sở chức danh nghề nghiệp, gắn với vị trí việc làm.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDNN. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người - máy. Đặc biệt, Bộ chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu dự báo định hướng cung cầu nhân lực gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở GDNN, trước hết là ở các trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm; Chương trình đào tạo GDNN nhất thiết phải được cập nhật, bổ sung kiến thức và kỹ năng khởi sự doanh nghiệp; nhà trường phải đổi mới quản trị như doanh nghiệp và là vườn ươm tạo ra những nhà quản trị doanh nghiệp mới trong kỷ nguyên số.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN. Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực của GDNN như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường…

- Thứ trưởng cho biết: Trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, cơ sở GDNN có những lợi ích như thế nào?

Nghị định tự chủ các trường nghề sẽ được ban hành trong quý I/2018. Tự chủ không có nghĩa là giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) mà thay đổi phương thức đầu tư NSNN cho GDNN theo hướng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm.

Bộ sẽ đẩy mạnh đào tạo theo đặt hàng, chuyển từ cơ chế cấp phát ngân sách chi thường xuyên sang đặt hàng. Bên cạnh đó, các trường được tự chủ cao nhất về tổ chức bộ máy, nhân sự, học thuật, tài chính... để phát huy sự năng động và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trao quyền tự chủ các cơ sở GDNN phải gắn với tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình lớn nhất của trường nghề là hiệu quả đầu tư phải cao, tài chính phải công khai minh bạch, người học phải có việc làm tốt, doanh nghiệp hài lòng. Trách nhiệm giải trình cũng phải được thể hiện thông qua trách nhiệm của người đứng đầu.

- Chúng ta cần đẩy mạnh những giải pháp nào để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề?

Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Với rất nhiều nghề, nếu không hợp tác với trường nghề, doanh nghiệp sẽ không có đủ nhân lực.

Trong những tháng tới, Bộ ưu tiên chỉ đạo thí điểm hợp tác giữa các trường nghề với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FPT về nghề lập trình, Tập đoàn Mường Thanh về nghề khách sạn, Hiệp hội Các siêu thị về nghề bán hàng, thu ngân, với các tập đoàn sản xuất trong đào tạo công nhân kỹ thuật, với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để gắn với các đơn hàng... Qua đó, Bộ sẽ cho tổng kết và ban hành hướng dẫn cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.

- Thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, nhiệm vụ trọng tâm của truyền thông cần thúc đẩy những vấn đề nào, thưa Thứ trưởng?

Tuyển sinh GDNN khác với tuyển sinh đại học. Đây là quá trình mà người học chọn nghề và chọn trường. Nghề nào có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực và nguồn lực thì sẽ được người học lựa chọn. Trường nào đảm bảo được việc làm, có chất lượng đào tạo tốt, hỗ trợ được người học nhiều thì sẽ được người học lựa chọn.

Khi chưa trả lời được câu hỏi người học sẽ làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu, thực tập và thực hành như thế nào... thì các trường chưa tuyển sinh.

Bên cạnh đó, chuẩn bị kế hoạch truyền thông tổng thể. Truyền thông có chiến dịch, có thông điệp, có điểm nhấn, gắn với người thực việc thực sẽ thay đổi được nhận thức chạy theo bằng cấp và không coi trọng GDNN. Trong công tác truyền thông, cần chú trọng ứng dụng CNTT, sử dụng mạng xã hội, đẩy mạnh sự tham gia của người học như đại sứ truyền thông.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ