Sự điều hành nhịp nhàng đã giảm lạm phát
Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2015. Theo đó, năm 2015 chỉ số giá tiêu dùng cả nước mới tăng 0,63%; bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. Đây là mức tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 đến nay.
Như vậy, lạm phát cả năm 2015 chưa đạt 1%; thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra. Năm nay, CPI tăng thấp ngoài những nguyên nhân chủ quan như sự điều hành tốt, nhịp nhàng của các cơ quan của Chính phủ như giá dịch vụ công (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) tăng thấp, công tác kiểm tra giám sát được thực hiện sát sao thì còn do những nguyên nhân khách quan là yếu tố thị trường trong lạm phát giảm mạnh so với mọi năm.
Xét trong dãy số liệu lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) mới được công bố, lần đầu tiên kể từ năm 2012, lạm phát cơ bản năm nay cao hơn lạm phát chung.
Trong khi lạm phát chung năm 2015 chỉ dừng ở mức 0,63% thì lạm phát cơ bản đã tăng cao gấp hơn 3 lần ở mức 2,05%. Điều này chứng tỏ trong cả năm qua các chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò tích cực, là động lực kích thích tăng giá cho tăng trưởng nhưng một số yếu tố thị trường đã làm giảm bớt động lực này.
Mừng hay lo?
Trước con số được đưa ra, nhiều ý kiến lo ngại lạm phát năm nay thấp do sức mua của người dân đang sụt giảm mạnh, tổng cầu giảm và tiềm ẩn nguy cơ giảm phát. Lý giải cho diễn biến này, bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, lý do chính là giá các mặt hàng thiết yếu, y tế, giáo dục cũng như giá dầu thô giảm liên tục đã khiến CPI cả năm tăng thấp.
Theo bà Thủy, nhìn vào kết quả CPI qua các tháng trong năm 2015 và so sánh với một số năm gần đây có thể thấy CPI 2015 tăng thấp là điều dễ hiểu trong bối cảnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế – vốn là tác nhân tăng giá mạnh mẽ trong một số năm trở lại đây, chỉ tăng 1,82% trong năm nay, đóng góp 0,07% vào chỉ số chung. Ngoài ra, học phí các cấp cũng chỉ tăng ở một số địa phương khiến chỉ số giá nhóm giáo dục năm 2015 chỉ đạt mức 2,54%, đóng góp vào CPI chung 0,12%.
Một yếu tố quan trọng khác khiến CPI năm nay tăng thấp là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh, chạm đáy trong 11 năm qua đã tác động trực tiếp và gián tiếp khiến nhiều nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI giảm mạnh. Theo tính toán của bà Thủy, tổng tác động từ sự giảm giá của dầu thô khiến CPI giảm 1,2%. Ngoài những yếu tố quan trọng trên thì còn một yếu tố cần được nhắc đến là nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa thực sự tăng cao. “Lạm phát năm 2015 thấp không phải do sức mua giảm sút mà do chi phí đẩy tăng thấp thông qua việc quản lý chặt các mặt hàng thiết yếu của cơ quan quản lý” – bà Thủy khẳng định.
Theo dự báo của bà Thủy, CPI 2016 có thể sẽ tăng do một số yếu tố như: Điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công; tăng học phí, thiết bị; phí dịch vụ y tế… (dự kiến sẽ có điều chỉnh tăng trong 2016). Ngoài ra, giá điện, lương cơ bản cũng sẽ tăng trong năm tới sẽ khiến cho CPI năm 2016 tăng cao hơn năm nay.
“Theo quan sát thì diễn biến CPI tăng cao thường duy trì trong thời gian dài hơn là tăng thấp. Do đó, nếu Chính phủ không có điều hành phù hợp thì rất có thể lạm phát sẽ tăng cao trong năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số yếu tố khiến CPI không tăng, ví dụ như giá dầu thô được dự báo tiếp tục giảm do sản lượng của thế giới đang tăng mạnh; giá nông sản thế giới cũng được dự báo giảm do cạnh tranh gay gắt” - bà Thủy nhận định.