(GD&TĐ) - Tại Hội nghị bàn về xuất khẩu gạo năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội lương thực (VFA) cho biết năm nay, các doanh nghiệp thành viên VFA sẽ phấn đấu xuất khẩu đạt mức tối thiểu 7,5 triệu tấn (thấp hơn so với 7,72 triệu tấn đạt được của năm 2012).
Theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), năm 2013 dự báo tình hình thị trường gạo thế giới, nhất là trong khu vực châu Á - nơi sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn 2012 do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó là những biến động và rủi ro phát sinh từ nhu cầu giải quyết tồn kho ở các nước xuất khẩu lớn, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung.
Ngoài ra, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines và Indonesia đang thực hiện chính sách tự túc lương thực đã tạo nên áp lực thị trường. Trước tình hình này, Việt Nam phải cạnh tranh để giải quyết đầu ra, tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa vì không có khả năng dự trữ lâu và rủi ro cao, nên hiệu quả sẽ thấp hơn.
Ảnh MH |
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA thông tin, đến thời điểm hiện tại, hợp đồng xuất khẩu gạo chuyển tiếp từ 2012 sang 2013 còn rất ít, chỉ khoảng 700.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% trong số này có thể giao hàng được, phần còn lại vẫn có thể bị hủy hợp đồng. Ngoài ra, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung ký được đến thời điểm này hầu như chưa có gì, do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị ép giá kịch liệt hơn trong hoạt động đàm phán thời điểm đầu năm mới.
“Hiện nay nguồn cung gạo trên thế giới quá dồi dào, như Ấn Độ được mùa lớn, Thái Lan tồn kho lên đến 12 - 13 triệu tấn. Không chỉ vậy, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Myanmar. Chỉ khoảng 2 năm nữa, nước này có thể vượt qua Việt Nam trong xuất khẩu gạo vì giá rẻ, sản lượng lớn” - ông Phong dự báo.
Hiện VFA đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ về việc tăng mua tạm trữ lúa gạo trong năm 2013 lên 1,5 triệu tấn (năm 2012 mua tạm trữ 1 triệu tấn) và sẽ thực hiện ngay trong đầu quý I này để kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân với giá không dưới 5.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa.
Chất lượng gạo xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực, gạo cao cấp xuất khẩu đạt 3,573 triệu tấn, chiếm đến 46,29% lượng xuất khẩu và tăng trên 79% so với năm 2011; loại gạo trung bình và cấp thấp giảm mạnh, đạt 2,719 triệu tấn, chiếm 35% và giảm tới 32% so với năm trước; lượng gạo thơm các loại cũng tăng cao, đạt 584.000 tấn, chiếm 7,57% và tăng đến 21,8% so với năm 2011...
VFA dự báo, lượng gạo hàng hóa năm 2013 là 7,6 triệu tấn (chưa tính tồn kho 2012) nên dự kiến xuất khẩu gạo trong năm 2013 là 7,5-7,6 triệu tấn, thấp hơn mức xuất khẩu năm 2012 nhưng các doanh nghiệp sẽ xuất tối đa tùy theo khả năng cân đối và nhu cầu thị trường. Trước mắt dự kiến xuất khẩu trong quý 1/2013 là 1,4 triệu tấn, trong đó: tháng 1: 400 ngàn tấn; tháng 2: 400 ngàn tấn; tháng 3:600 ngàn tấn.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, VFA kiến nghị Bộ Công thương trong năm 2013 tăng cường xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thoả thuận thương mại gạo theo các hợp đồng chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian, tạo điều kiện ổn định thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Đặc biệt, VFA kiến nghị Bộ Công thương đàm phán thoả thuận thương mại gạo với Trung Quốc vì đây là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2012 và đang được coi là thị trường đầy tiềm năng…
Hải Hà