(GD&TĐ)-Sáng nay (14/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới đây.
Biểu đồ tăng trưởng - lạm phát của Việt Nam 21 năm qua |
Tại Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế quý I-2012 chỉ đạt 4%. Tuy nhiên, theo phân tích, đây được coi là mức tăng hợp lý trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn và nhiều biến động.
Theo đó, dự báo năm 2012 sẽ thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, thậm chí thấp hơn nếu không có sự điều chỉnh chính sách hợp lý. Nhưng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 -6,5% rất khó có thể đạt được do quý 1/2012 chỉ đạt 4% và quý 2/2012 dự báo chỉ đạt khoảng 4,5%. Sức ép về tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm rất lớn mới đạt cận dưới 6%”dự báo năm 2012, lạm phát sẽ dưới 10%, thậm chí thấp hơn.
Trong 3 tháng đầu năm, kinh tế quý I đạt được một số kết quả khả quan: tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định; kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên, tăng CPI ở mức thấp cũng thể hiện những hậu quả khó khăn từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm tổng cầu đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế trong quý I/2012.Tình hình khả quan hơn ở quý 2, nhưng cũng chưa có chuyển biến thật rõ rệt. Vì vậy, dự báo mức tăng trưởng cũng chỉ đạt khoảng 4,5%
Thảo luận về mức tăng trưởng năm 2012, các thành viên Uỳ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, mức tăng trưởng năm 2012 phải đạt 6%. Do đó, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội các phương án tăng trưởng kèm theo các giải pháp thực hiện cho từng phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn và giảm lãi suất, đồng thời điều chỉnh một số chính sách thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh yêu cầu các chính sách được ban hành phải bám sát tín hiệu thị trường và triển vọng nền kinh tế, bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng cao; thận trọng, chặt chẽ trong việc nới lỏng tín dụng cho các khu vực phi sản xuất...
Nguyễn Sơn