(GD&TĐ) - Ngày 3/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du đến 8 quốc gia Bắc Phi và Trung Đông. Ngày 4/11, John Kerry đã đến Arabia Saudi- “mắt xích” được coi là quan trọng nhất trong chuyến công du quan trọng này.
Theo các nhà phân tích thì đây là chuyến đi “hàn gắn” những rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh, bởi những động thái của Washington gần đây có vẻ như đang đi ngược lại lợi ích của các quốc gia thân cận với họ trong khu vực.
Sao thế, Washington?
Thời gian gần đây, hàng loạt các quốc gia Ả Rập - đồng minh thân cận của Mỹ tỏ thái độ bất đồng với Washington. Mỗi nước có chính kiến của riêng mình về những quyết định mà họ gọi là “sai lầm” của Mỹ ở khu vực.
Ngày 18/10, Arabia Saudi tuyên bố từ chối chiếc ghế Hội đồng Bảo an LHQ chỉ vài giờ sau khi họ được bầu là 1 trong 10 thành viên không chính thức với nhiệm kỳ 2 năm của hội đồng. Đây là sự kiện lạ, bởi đã từ lâu chiếc ghế Hội đồng Bảo an LHQ luôn là niềm mơ ước của Riyadh.
Và nữa, theo truyền thống Arabia Saudi thường có những động thái ngoại giao “kín tiếng” hơn chứ không theo kiểu “vỗ mặt” như lần này. Giải thích quyết định của mình, Bộ Ngoại giao Arabia Saudi khẳng định: Những cơ chế và phương pháp làm việc cùng những “tiêu chuẩn kép” khiến Hội đồng Bảo an “không thể gánh vác một cách tốt nhất trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới của họ”.
Về hình thức là vậy, tuy nhiên, bản chất của vấn đề được giới phân tích gọi đích danh là do Riyadh bất đồng với Washington. Nếu quan hệ Mỹ - Iran ấm lên trong thời gian gần đây làm Arabia Saudi thất vọng thì quyết định ngừng tấn công Syria của Mỹ thực sự là “giọt nước tràn li”.
Iran là kẻ thù không đội trời chung của Arabia Saudi, còn với Syria, khi Riyadh đang hăm hở o bế phe đối lập thì việc ngưng tấn công Syria của Mỹ chẳng khác gì dội một gáo nước lạnh vào cái đầu đang bốc khói.
Từ thất vọng, Arabia có vẻ như đang mất lòng tin đối với Mỹ. Ngoại trưởng Arabia Saudi - Hoàng tử Turki Saud al-Faisal đã gọi quyết định ngừng tấn công Syria của Mỹ là “tệ hại”. Còn Giám đốc Cơ quan tình báo Arabia Saudi- Hoàng tử Bandar bin Sultan khẳng định việc “án binh bất động” của Mỹ trên mặt trận Syria là một trong những lý do để “xem xét lại” quan hệ Mỹ-Arabia Saudi.
Cũng theo lời Bandar bin Sultan thì việc ủng hộ phe đối lập Syria bằng cách huấn luyện binh lính hay mở những chiến dịch quân sự chống lại Bashar Assad của Arabia Saudi không vì những động thái của Mỹ gần đây mà thay đổi. Trong việc này, Arabia Saudi sẽ hợp tác với các đồng minh khác như Pháp và Jordan- The Wall Street Journal trích nguồn tin từ nhà ngoại giao Mỹ giấu tên viết.
Không ít các nhà phân tích đã vội nhận định rằng rất có thể Washington sẽ đánh mất đồng minh chiến lược của họ ở Trung Đông - Arabia Saudi.
Sứ mệnh hàn gắn...
Thứ hai (4/11), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thân chinh đến Riyadh đàm đạo với Ngoại trưởng Arabia Saudi Saud al-Faisal và hội kiến Quốc vương Abdullah. Phát biểu trong buổi họp báo chung diễn ra cùng ngày, John Kerry tuyên bố: Mỹ ưu tiên phát triển quan hệ song phương với Arabia Saudi và coi nước này là một trong những đối tác quan trọng nhất ở khu vực.
“Mỹ ưu tiên phát triển quan hệ song phương với Arabia Saudi. Mối quan hệ này sẽ được tiếp tục trên mọi phương diện và tất cả những đồn đoán về nó đều không đúng sự thật”- John Kerry khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng bất chấp những bất đồng về chiến thuật, Mỹ và Arabia Saudi đều có cùng mục đích ở Syria. Trước đó (ngày 3/11), phát biểu với báo chí tại Cairo (Ai Cập), John Kerry đã khéo bắn tiếng: “Một số quốc gia trong khu vực muốn Mỹ hành động theo cách này về vấn đề Syria, nhưng chúng tôi đã hành động theo các khác. Những khác biệt về chiến thuật riêng lẻ trong một chính sách không tạo ra sự khác biệt đối với mục tiêu cơ bản của chính sách”.
John Kerry nhấn mạnh rằng Vương quốc Arabia Saudi là đối tác có “vị trí độc lập” của Mỹ ở Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ không quên cam kết rằng quan điểm trước sau như một của Washington là ủng hộ phe nổi dậy ở Syria và chống lại chương trình hạt nhân của Iran.
Có lẽ quyết định từ chối chiếc ghế Hội đồng Bảo an LHQ của Arabia Sadi đã làm người Mỹ thức tỉnh. Hoàng tử Bandar bin Sultan nói thẳng ra rằng đây không chỉ là tín hiệu bất đồng của Arabia Saudi được gửi đến LHQ mà cơ bản là gửi đến Mỹ.
Bao năm qua, Arabia Saudi luôn là đối tác quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ngoài là quốc gia cung cấp dầu lửa lớn nhất, ổn định nhất cho Mỹ, Arabia Saudi còn là quốc gia mua vũ khí Mỹ nhiều nhất. Mới đây, sau nhiều tháng đàm phán bí mật, một hợp đồng mua bán vũ khí “khủng” có trị giá tới 60 tỷ USD đã được ký kết.
Về chính trị, kể từ năm 1932, Arabia Saudi luôn là đồng minh thân cận, là điểm tựa giúp Mỹ thực hiện các chính sách đối ngoại của họ ở Trung Đông.
Một đối tác quan trọng như thế sao Mỹ có thể dễ dàng để mất. Và giờ đây, sứ mạng “hàn gắn những rạn nứt” được trao cho John Kerry. Vẫn biết đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng nói như John Kerry rằng cả hai nước đều có chung mục đích trong chuyện Syria thì mọi “rạn nứt” dễ được hàn gắn.
Anh Phương