Nhà báo James Foley (mũ trắng) cùng các đồng nghiệp tác nghiệp ở Libya năm 2011. Ảnh: AFP |
Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chiến dịch giải cứu con tin trên có sự tham gia của các lực lượng trên không và trên bộ, tập trung vào mạng lưới bắt cóc bên trong tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). "Thật không may, sứ mệnh này đã không thành công vì các con tin không có mặt tại vị trí mục tiêu", thông cáo thêm.
Giới chức không tiết lộ chính xác thời điểm diễn ra chiến dịch nhưng nói rằng không phải trong vài tuần gần đây.
"Tổng thống Barack Obama đã cho phép tiến hành sứ mệnh này vào đầu hè", Lisa Monaco, trợ lý hàng đầu về chống khủng bố của ông Obama, cũng xác nhận trong một thông cáo riêng.
"Các cơ quan an ninh quốc gia đánh giá rằng các con tin đang gặp nguy hiểm khi phải trải qua mỗi ngày trong sự giam giữ của ISIL", bà nói, dùng một tên khác của tổ chức phiến quân.
Thông tin trên được tiết lộ sau khi IS đăng tải lên mạng xã hội một video có tiêu đề "Thông điệp gửi đến nước Mỹ" hôm 19/8. Video ghi lại cảnh tượng rùng rợn khi một phiến quân trùm kín mặt, tay cầm dao cắt đầu nhà báo Mỹ James Foley, người mất tích gần hai năm trước tại Syria.
IS tuyên bố vụ hành hình Foley là sự đáp trả những cuộc không kích của Washington vào lực lượng này ở Iraq thời gian qua. Lầu Năm Góc cho hay máy bay Mỹ đã tiến hành 14 cuộc không kích vào vùng lân cận đập Mosul, phá hủy nhiều phương tiện và chất nổ của các phiến quân.
Giới chức Mỹ hôm qua xác thực rằng video trên là có thật. Tổng thống Obama lên án hành vi chặt đầu Foley là "một hành động bạo lực gây bàng hoàng đến tận tâm can của toàn thế giới".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Washington sẽ "không bao giờ lùi bước trước một con quỹ dữ như thế" và IS phải bị xóa sổ vì những hành động tàn bạo của tổ chức này.
Phản ứng của thế giới
Cảnh sát chống khủng bố Anh đã bắt đầu điều tra về video trên khi kẻ sát hại Foley có giọng nói rất giống người London.
Pháp tuyên bố nước này muốn các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và các quốc gia trong khu vực, bao gồm các nước Arab và Iran, phối hợp hành động để chống lại IS. Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi một cuộc họp quốc tế để thảo luận về việc đối phó với lực lượng này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên án "việc hành quyết kinh hoàng nhà báo James Foley là một tội ác ghê tởm, cho thấy rằng chiến dịch khủng bố của Nhà nước Hồi giáo và vùng Cận Đông vẫn đang tiếp diễn chống lại nhân dân Iraq và Syria".
Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari kêu gọi thế giới ủng hộ nước này đối đầu với IS. Ông mô tả lực lượng này là mối đe dọa với toàn thế giới, chứ không chỉ riêng những nhóm sắc tộc thiểu số bị sát hại ở Iraq.
Đức và Italy cũng cho biết sẵn sàng cung cấp vũ khí để hỗ trợ chiến dịch quân sự của người Kurd chống lại IS ở bắc Iraq.
Syria là quốc gia nguy hiểm nhất với các phóng viên trong hơn hai năm qua. Ít nhất 69 phóng viên đã bị giết và hơn 80 phóng viên bị bắt cóc khi đưa tin về tình hình chiến sự tại đây.
Hiện có khoảng 20 phóng viên đang mất tích ở Syria. Phần nhiều trong số này được cho là đang bị IS giữ làm con tin.