Mỹ Tâm - Cô ấy đã sống đúng với cái tên cha mẹ đặt cho mình!

Chuyện Mỹ Tâm dừng xe cạnh sân khấu nhân đạo đêm Noel để song ca với chàng trai khiếm thị có người cho là chiêu PR tinh tế. Nhưng khi cô mời chàng trai ấy lên sân khấu lớn và thu clip chung thì không thể nghi ngờ cô được nữa. Bởi thiện tâm khác hoàn toàn với lòng thương hại vút qua đường.

Mỹ Tâm - Cô ấy đã sống đúng với cái tên cha mẹ đặt cho mình!

Ở Hà Nội, người dân không còn xa lạ với những sân khấu nhân đạo. Một sân khấu nhỏ với phông màn đơn giản, thậm chí bùng nhùng, căng ngang gần một ngã ba, ngã tư nào đó.

Biểu diễn trên sân khấu ấy là các ca sĩ nghiệp dư, chính xác là những người khuyết tật có giọng hát hay bẩm sinh. Sân khấu không có người dẫn chương trình và hỗ trợ tiếng hát của người khuyết tật là dàn loa đài chất lượng dưới trung bình với tăng âm đôi khi bị điều chỉnh quá cỡ khiến cư dân sống quanh khó chịu.

Người đi đường nghe thấy họ hát hay có thể chặc lưỡi khen. Có thể một vài người dừng xe bỏ tiền vào hòm quyên góp nhân đạo. Nhưng không ai dừng lại để nghe họ hát.

Dĩ nhiên, trừ Mỹ Tâm.

Mỹ Tâm không chỉ quay đầu xe lại để nghe họ hát, mà còn bước lên sân khấu để hát chung với họ, nhằm níu chân khán giả dừng lại, thay vì thả tiền vào hòm, như một sự ban ơn, rồi lướt đi.

Dù phần lớn ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ sự cảm phục dành cho Mỹ Tâm khi xem clip ghi lại hình ảnh cô mặc nguyên bộ đồ vừa biểu diễn lên sân khấu song ca với chàng ca sĩ nghiệp dư khiếm thị.

Nhưng đây đó vẫn có lời bàn ra tán vào, rằng nữ ca sĩ tóc nâu môi trầm đã có một chiêu PR khéo léo, không mất tiền cũng chẳng mất sức. Nếu đó là chiêu PR thật thì Mỹ Tâm quá đỉnh vì chẳng có một chút giả dối nào lọt ra ngoài cái hành động đẹp đẽ đêm Noel ấy.

Hãy nghe lại cuộc đối thoại trên sân khấu giữa Mỹ Tâm và Đức Mạnh - chàng trai khiếm thị. Cô đã đứng dưới sân khấu để xin được hát cùng Đức Mạnh. Chứ không phải xưng tên tuổi và nói với chàng trai kia rằng: "Em có muốn song ca với chị không?".

Cô hỏi tên, hỏi tuổi Đức Mạnh. Đáp lại, Đức Mạnh cũng hỏi tên cô và cô trả lời: "Chị tên Tâm". Đức Mạnh hỏi: "Chị đến từ đâu?", cô trả lời: "Chị đến từ Đà Nẵng. Nhưng mà chị sống trong Nam".

Thói quen của một ca sĩ chuyên nghiệp trước khi hát là giới thiệu ca khúc nhưng Mỹ Tâm đã không vô tình bật ra cái tên quá nổi tiếng của mình, điều mà có thể sẽ làm cho chàng trai kia ngại ngùng bối rối mất tự tin.

Cô đã nói: "Sau đây Đức Mạnh và Tâm sẽ song ca bài Sầu tím thiệp hồng". Nếu có khán giả nào dễ xúc động mà khóc, chính là khóc vì từng chi tiết nhỏ li ti ấy.

Mỹ Tâm đã không hành động như một người ban ơn trong đêm Noel. Cô càng không hành động như một bà tiên mang lại điều diệu kỳ cho người yếu thế thiệt thòi.

Đấy chỉ là cách người ta tung hô cô thôi. Còn cô đã làm gì nhỉ? Cô làm như một đồng nghiệp đàn chị đã thành danh giúp đỡ người đồng nghiệp đàn em vô danh. Chỉ đơn giản là như vậy. Hay cách cô thể hiện ra là như vậy.

Mỹ Tâm từ đầu tới cuối, không một mảy may tỏ ra thương hại, xót xa, tội nghiệp cho anh chàng tật nguyền. Cô song ca với anh bằng tất cả sự trân trọng, cảm phục và hẳn là có lòng thương.

Nhưng lòng thương ấy không giống với lòng thương hại vút qua đường, của bạn hay của tôi, như cách chúng ta đã từng làm. Kiểu như ta thả vào cái hòm quyên góp 1 tờ tiền rồi tăng ga lao xe đi, đôi khi tự thỏa mãn với chính mình vì đã làm được một việc giống như là việc tốt.

Và Mỹ Tâm đã (vô tình) chứng minh rằng tấm lòng cô dành cho Đức Mạnh không phải sự thương hại qua đường.

Cuối năm 2016, tức là sau Noel ít ngày, cô đã quay lại Hà Nội tìm Đức Mạnh, để mời anh hát trong minishow mừng sinh nhật của cô diễn ra ngày 15/1.

Chưa hết, cô còn thu âm bản Sầu tím thiệp hồng cùng Đức Mạnh để anh có sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên ra mắt công chúng.

Trong đêm minishow Ô cửa màu xanh ấy, người ta lại một lần nữa được rưng rưng cùng Mỹ Tâm. Đức Mạnh bảnh bao trong bộ vest đen và kính đen, khoe giọng hát ngọt ngào bên Mỹ Tâm trên sân khấu lớn.

Mỹ Tâm nói, cô muốn cho mọi người được chiêm ngưỡng giọng hát của Đức Mạnh. Từ "chiêm ngưỡng" mà cô dùng, phô bày tất cả tấm lòng của cô.

Đó là một tấm lòng chân thiện, hoàn toàn không phải sự thương hại, hay mượn tâm lý thương hại của đám đông để đánh bóng bản thân.

Trên hết, cách cô làm khiến cho người chứng kiến phải thay đổi cách nhìn lẫn cách thương người khuyết tật.

Lâu nay, chúng ta vẫn ứng xử với người khuyết tật theo cách kẻ cả của người lành lặn. Ta tự cho họ là những người yếu thế hơn ta, kém cỏi hơn ta, cần sự thương hại của ta.

Và ta ném cho họ vài sự giúp đỡ để thỏa mãn chính cảm giác được làm người tốt của mình. Chứ không phải thực tâm muốn hỗ trợ họ, giúp họ có một cuộc sống tự chủ và tốt đẹp, được sự trân trọng của xã hội.

Việc ta tung hê họ một cách quá đà, với điệp khúc lặp đi lặp lại rằng họ tuy khuyết tật nhưng có tài năng cũng đã là một sự thương hại, một sự thiếu trân trọng rồi.

Bởi chắc gì họ đã yếu thế hơn ta, chắc gì họ đã kém cỏi hơn ta. Họ có thể không có đầy đủ các giác quan như con người phổ thông nhưng các giác quan của họ lại phát triển và hoàn hảo hơn người phổ thông gấp nhiều lần. Và như thế, ta hay họ mới là người khuyết tật?

Cảm ơn Mỹ Tâm. Bởi chính cô đã cho chúng ta thấy, yêu thương người khác biệt với mình thực sự nó như thế nào. Sự yêu thương, vì nó thành thật, nên gạt bỏ tất cả những thói tò mò, thói bi lụy, thói thương hại, thói cải lương hóa bất hạnh thường thấy.

Cảm ơn Mỹ Tâm, bởi cô đã cho chúng ta thấy, người khuyết tật, đúng như thông điệp mà Liên hợp quốc phát đi nhiều năm nay, chỉ đơn giản là "những người lành lặn theo một cách khác".

Lẽ giản dị ấy không phải ai cũng hiểu được nếu như không có một trái tim đẹp. Mỹ Tâm, trùng hợp sao, cũng có nghĩa là "một trái tim đẹp". Cô ấy đã sống đúng cái tên mà cha mẹ đặt cho mình.

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ