Washington giương cao ngọn cờ tự do hàng hải
Dưới ngọn cờ tự do hàng hải, hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành các hoạt động xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp. Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của Mỹ dưới thời Donald Trump - Báo Hải quân Mỹ Navy Times đưa tin. Điều làm dư luận hết sức quan tâm rằng, các tàu chiến của Mỹ sẽ hoạt động trong vùng lãnh hải 12 dặm xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Theo tờ báo này, kế hoạch đang chờ Donald Trump phê duyệt. Kể từ năm 2015, tàu Mỹ đã 4 lần tiến hành tuần tiễu cạnh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, bỏ ngoài tai những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Với một loạt các hoạt động mạo hiểm như vậy, Washington đã đứng trên quan điểm cho rằng, những hòn đảo nhân tạo không được quốc tế công nhận và như vậy, không thể có vùng lãnh hải 12 dặm. Điều thứ hai là bản án của Tòa án Trọng tài quốc tế ở The Hague phán quyết phần thắng thuộc về Philippines. Và như vậy, tuyên bố của Trung Quốc đối với nhiều đảo ở biển Đông là không có cơ sở.
Tại Mỹ, không ít các chính trị gia đã chỉ trích cựu lãnh đạo của Nhà Trắng Barack Obama vì ông đã hạn chế số lượng các hoạt động hải quân ở biển Đông, tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên bảy hòn đảo nhân tạo. Mới đây, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis cho biết, các hoạt động này sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, ông Mattis nói thêm rằng, Mỹ không muốn xung đột leo thang. Trên báo South China Morning Post, ông Mattis ám chỉ với các quan chức Nhật rằng Mỹ dự định thực hiện các hoạt động đó thường xuyên hơn. Trước đó, chính quyền Obama lo ngại trước các cuộc biểu tình của Trung Quốc, sợ rằng các cuộc tuần tra của hạm đội Mỹ sẽ phá hoại sự hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, với Donald Trump, chủ đề này không mấy lo ngại.
Căng thẳng ở biển Đông có thể dẫn đến xung đột?
Theo các nguồn tin, chỉ cần tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm tàu tấn công xuất hiện ở biển Đông, Trung Quốc sẽ gửi hai tàu khu trục “Trường Sa” và “Haikou”, được trang bị tên lửa và tàu hỗ trợ thực hiện các bài tập trong điều kiện gần với tình huống chiến đấu thực quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp. Trên tàu có 3 máy bay trực thăng và thủy quân lục chiến. Ngoài ra, những người lính từ các đơn vị đồn trú quân trên quần đảo cũng được lệnh sẵn sàng chiến đấu.
“Bất kỳ tính toán sai lầm của một trong các bên có thể dẫn đến những căng thẳng gia tăng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát” - Ông Chzhitsyun Zhu, người đứng đầu Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania nhận định.
Theo Phó Giám đốc Viện Á - Phi thuộc ĐHTH Moskva Andrei Karneev thì tình hình sẽ rất nguy hiểm. “Nhiều chuyên gia dự đoán rằng tình hình sẽ rất căng. Trung Quốc đã thể hiện “cơ bắp” của họ. Sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đứng đầu Đài Loan, Trung Quốc đã điều động nhóm tàu sân bay về eo biển Đài Loan. Trung Quốc đang khẩn trương hiện đại hóa hải quân của mình, xây dựng sáu tàu sân bay trong tương lai gần.
Cũng theo Andrei Karneev, trước mắt Trung Quốc sẽ đưa ra những tuyên bố cứng rắn, sau đó có thể sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Vào thời điểm hiện tại tương quan lực lượng nghiêng về phía Trung Quốc, chính vì vậy, chắc sẽ không có xung đột. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế đang phụ thuộc lẫn nhau. Cả hai đều ý thức được một điều rằng không thể để cho một bên đơn phương độc chiếm biển Đông và tình hình như hiện nay sẽ kéo dài - Andrei Karneev dự đoán.