Mỹ phẩm Việt lép vế trên sân nhà

GD&TĐ - Hiện trên thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với khoảng hơn 400 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong số này có trên 100 DN nước ngoài, song họ lại đang chiếm tới gần 90% doanh thu toàn ngành. Đây là một thách thức không nhỏ cho các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam...

Hiện các hãng mỹ phẩm của Việt Nam gần như thất thế hoàn toàn trên sân nhà
Hiện các hãng mỹ phẩm của Việt Nam gần như thất thế hoàn toàn trên sân nhà

Hàng ngoại lấn át

Không chỉ riêng với mỹ phẩm, mà bất cứ mặt hàng nào cũng vậy mẫu mã, hình dáng bên ngoài của sản phẩm luôn là yếu tố rất quan trọng trong việc gây ấn tượng cho người tiêu dùng (NTD), nhưng đây lại chính là điểm yếu nhất của mỹ phẩm Việt. Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm của Việt Nam hầu như các loại mẫu mã đều đơn điệu, kém hấp dẫn. Dẫu rằng hình thức không nói lên được bản chất, chất lượng sản phẩm, nhưng không thể phủ nhận bản thân nó có tác dụng rất lớn trong việc thu hút sự chú ý của NTD. Thậm chí đôi khi nó còn là một tiêu chí để dẫn đến quyết định chọn mua hay không mua một sản phẩm.

Chị Trịnh Thuý Mai - một nhân viên văn phòng đang sống ở Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết: “Ngày xưa tôi cũng hay sử dụng một số mỹ phẩm của Việt Nam sản xuất như: Nước hoa Sài Gòn, kem dưỡng da Thorakao, dầu gội Fresh, hay Tây Thi hay Sắc Ngọc Khang... Nhưng khi hàng ngoại tràn vào nhiều tôi lại quay sang sử dụng sản phẩm của họ, bởi chất lượng của họ rất tốt, sản phẩm rất đa dạng, hơn nữa, giá cả cũng không quá đắt đỏ so với hàng nội. Thậm chí nhiều loại mỹ phẩm thương hiệu ngoại, nhưng giá cả lại khá phù hợp với NTD có thu nhập trung bình như chúng tôi”.

Nhận định của chị Mai phần nào cho thấy dù mỹ phẩm Việt ra đời khá lâu, có thâm niên trên thị trường nhưng các nhãn hiệu lại không có sự đột phá rõ rệt. Vẫn là kiểu dáng và chất liệu cũ, vẫn logo, hình ảnh không có nhiều thay đổi. Nó cũng là yếu tố gây nhàm chán cho NTD so với những sản phẩm ngoại có bề ngoài bắt mắt.

Khi được hỏi hầu hết các DN đều cho rằng, quảng cáo là khâu quan trọng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. DN nước ngoài, khi nhảy vào thị trường Việt Nam đã biết phát huy hết lợi thế này. Chiến lược kinh doanh bài bản là ưu thế không thể nào phủ nhận của họ. Các chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên truyền hình các báo, tạp chí có uy tín được họ quảng cáo rầm rộ. Có nghĩa, các DN nước ngoài xem việc kinh phí cho truyền thông, quảng cáo, nghiên cứu sản phẩm mới là khâu quan trọng trong chiến lược kinh doanh và được đưa vào giá bán của sản phẩm, thì ngược lại DN Việt Nam lại cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Lối đi nào cho mỹ phẩm Việt?

Theo Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu của Việt Nam, doanh thu ngành mỹ phẩm Việt Nam trong mỗi năm đạt gần 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) vào năm 2016. Dự báo, tầng lớp trung lưu là những đối tượng có nhu cầu làm đẹp cao sẽ tăng gấp đôi lên đến 33 triệu người vào năm 2020 và sẽ là những đối tượng tiềm năng nhất của thị trường.

Đại diện Hiệp hội Mỹ phẩm, hương liệu và tinh dầu Việt Nam cho hay, hiện thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với thời điểm năm 2010 bởi NTD Việt Nam đã bắt đầu chú trọng vào làm đẹp. Với xu thế này, các công ty trong nước như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Việt Hương... đã tăng đầu tư, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chỉ quanh quẩn ở phân khúc bình dân, phân khúc cao cấp là sân chơi riêng của các thương hiệu nước ngoài.

Nói về thực tế này, đại diện Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn cho rằng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hoá này được kéo xuống mức từ 0 - 5%. Tiềm năng là vậy nhưng do các DN nội địa còn nhiều hạn chế về công nghệ, cũng như tiềm lực tài chính nên thị trường mỹ phẩm Việt bị chi phối nhiều bởi những thương hiệu nước ngoài. Ngay cả thương hiệu có bề dày 40 năm như Mỹ phẩm Sài Gòn hiện nay vẫn chỉ loay hoay ở phân khúc trung bình khá và tập trung thị phần lớn tại các địa phương. Bởi trở ngại lớn nhất hiện nay của DN Việt chính là mẫu mã sản phẩm không đa dạng, bao bì chưa bắt mắt nên dù có sản phẩm tốt, sản phẩm đặc trưng thì vẫn chưa đủ để thu hút khách hàng.

Để thương hiệu Việt có chỗ đứng và không bị lấn át ngay trên sân nhà, các chuyên gia cho rằng, ngoài lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, thì các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước cần phải không ngừng đổi mới sáng tạo và có 1 lối đi riêng. Bởi xu hướng của NTD luôn tìm đến những sản phẩm có cá tính riêng nên các DN Việt Nam cần đưa nét đặc trưng trong văn hoá vào sản phẩm. Khi thực hiện tốt bước đi này chắc chắn NTD sẽ có thiện cảm và tìm đến sản phẩm Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.