Mỹ: Nghịch lí càng bảo hộ, thâm thủng mậu dịch càng cao

GD&TĐ - Trong năm 2017, thâm thủng mậu dịch của Mỹ lên đến mức cao nhất trong 9 năm, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump mang lại cân bằng nhiều hơn cho các quan hệ mậu dịch của nước Mỹ. 

Mỹ: Nghịch lí càng bảo hộ, thâm thủng mậu dịch càng cao

Các thông số mới nhất cũng hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố đầy tích cực của ông Trump về tình hình thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

“Kỷ lục” không mong muốn

Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/2 (theo giờ Washington) đã đưa ra thông báo cho biết, khoảng cách thương mại về hàng hóa và dịch vụ lên đến 566 tỉ đô la vào năm 2017, mức cao nhất so với 708,7 tỉ đô la trong năm 2008. Nhập khẩu đạt mức kỷ lục 2.900 tỉ đô la so với xuất khẩu là 2.300 tỉ đô la.

Thâm thủng mậu dịch về hàng hóa của Mỹ là 810 tỉ đô la và thặng dư 244 tỉ đô la trong các ngành dịch vụ như ngân hàng và giáo dục. Thâm thủng về hàng hóa với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 375,2 tỉ đô la trong năm 2017 và thâm thủng đối với Mexico ở mức 71,1 tỉ đô la.

Bộ Thương mại Mỹ kết luận: Tổng cộng thâm thủng mậu dịch tháng 12/2017 về hàng hóa và dịch vụ lên đến 53,1 tỉ đô la so với 50,4 tỉ đô la trong tháng 11 và cao nhất kể từ tháng 10/2008.

Đây thực sự là những con số không hề mong đợi đối với Nhà Trắng, khi mà các kết quả về kinh tế đạt được trong năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống luôn là niềm tự hào của ông Donald Trump, đồng thời là một trong những lĩnh vực được chỉ đạo quyết liệt nhất.

Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã tìm cách giảm bớt thâm thủng với Trung Quốc và Mexico. Nhà Trắng đang cân nhắc là có nên áp đặt chế tài về thương mại đối với Trung Quốc hay không vì nước này đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Song song với đó, chính quyền ông Trump cũng đang thương thuyết lại Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada. Những hành động này bị các nước liên quan phản ứng quyết liệt, coi đó là chính sách bảo hộ cực đoan của Mỹ, trái với “luật chơi” công bằng và cạnh tranh sòng phẳng giữa các nền kinh tế trong thế giới mở hiện nay.

Hiệu quả ngược của chính sách bảo hộ

Hồi cuối thàng 1/2018, người đứng đầu công ty thương mại điện tử lớn hàng thứ nhì Trung Quốc, JD.com Inc, đã cáo buộc Hoa Kỳ thi hành chủ nghĩa bảo hộ “nghiêm khắc” chống lại các công ty Trung Quốc và khuyến cáo rằng việc này sẽ có ảnh hưởng ngược đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trước đó, vào ngày 23/1, Hoa Kỳ áp đặt thuế quan cao đối với mặt hàng máy giặt và bảng pin mặt trời trong một động thái được xem là phương cách của Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ. Những biện pháp này bị Trung Quốc và Hàn Quốc lên án.

Chính phủ Mỹ cũng vừa mới đây bác bỏ kế hoạch của công ty Trung Quốc Ant Financial muốn thâu tóm Công ty

chuyển tiền Mỹ MoneyGram International Inc. vì những lo ngại về an ninh. Đây là thỏa thuận quan trọng nhất của Trung Quốc bị cấm dưới chính quyền ông Trump.

Chính phủ Mỹ đã có lập trường cứng rắn đối với việc bán các công ty Mỹ cho các thực thể Trung Quốc, giữa lúc đã có những căng thẳng trong quan hệ thương mại hai nước, với việc Washington quyết tâm thu hẹp thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc vốn đã lên tới mức 347 ngàn tỉ đô la trong năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ