Những chiếc UAV có ưu điểm hoạt động dài ngày ở độ cao lên đến 19 km mà không cần tiếp liệu. Chúng hoạt động hiệu quả hơn một chiếc Boeing 747 nặng nề và dễ bị phát hiện – vốn từng được quân đội Mỹ trang bị vũ khí laser thử nghiệm trong dự án “Airborne Laser”.
Tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thủ đô Washington – Mỹ, Phó Đô đốc James Syring, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa quốc gia (MDA), cho biết những tiến bộ trong công nghệ laser cho phép họ tích hợp loại vũ khí tương lai này cho UAV.
Ông Syring tiết lộ MDA đã đẩy mạnh đầu tư vào chương trình vũ khí laser cho UAV để thay thế dự án “Airborne Laser” - kéo dài 16 năm và tiêu tốn 5 tỉ USD trước khi bị hủy bỏ cách đây 4 năm.
Hồi năm 2010, chiếc Boeing được trang bị vũ khí laser đã bắn hạ được tên lửa đầu tiên trong một cuộc thử nghiệm nhưng máy bay phải tiến rất gần mục tiêu. Điều này có nghĩa là máy bay cũng sẽ dễ dàng bị ăn đạn từ máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không của đối phương. Sau đó, máy bay phải quay lại mặt đất để nạp năng lượng.
Về lý thuyết, ông Syring khẳng định nếu một chùm tia laser đủ mạnh và bắn từ khoảng cách thích hợp, vũ khí này hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Thách thức hiện nay là phải chế tạo hệ thống laser trọng lượng nhẹ để trang bị cho các UAV nhỏ gọn nhưng sức mạnh không được suy giảm.
“Để tiêu diệt càng nhiều tên lửa, bạn cần nhiều năng lượng. Nếu cân bằng được phạm vi, độ cao, sức mạnh và số lượng tên lửa cần đánh chặn, bạn cần suy nghĩ thêm về độ chính xác mỗi lần khai hỏa” – ông Syring nói.