(GD&TĐ) - Trong tuần trước, vào các ngày 16 - 17/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước khu vực Trung Đông tại Amman, thủ đô của Jordan nhằm tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như thảo luận tình hình ở Ai Cập, Syria. Ngày 19/7, John Kerry thông báo Israel và Palestine đã đạt được thỏa thuận cơ sở về việc nối lại đàm phán hòa bình cho Trung Đông. Đây là chuyến công du Trung Đông thứ 6 của John Kerry kể từ tháng 3 năm nay và điều đó chứng tỏ Trung Đông mà mấu chốt là quan hệ Israel - Palestine quan trọng với Mỹ đến nhường nào.
4 tháng và 6 chuyến công du
Giờ đây, sau 3 năm, câu chuyện hòa bình cho Israel và Palestine bị rơi vào quên lãng, John Kerry phải mất 4 tháng hối thúc các bên để họ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán nhằm “loại bỏ những khác biệt còn lại” tại Washington vào tuần này. Có điều, những nội dung được thỏa hiệp cũng như danh sách các vấn đề cần tiếp tục đàm phán đang nằm trong khách sạn 5 sao ở thủ đô Amman của Jordan hay Ramallah, Jerusalem, những nơi mà John Kerry phải “ăn chực nằm chờ” từ tháng 3 tới giờ. Dư luận cũng không rõ Israel và Palestine sẽ chờ đợi điều gì ở cuộc họp sắp tới. Cũng có thể vẫn chỉ tiếp tục giai đoạn hiện nay: Những cuộc đàm phán về việc nối lại đàm phán. Cũng có thể các bên đã phần nào thỏa thuận được các vấn đề nhạy cảm như xung đột biên giới, về số phận của những người tị nạn Palestine, về một quy chế cho Jerusalem…
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận qua đó đặt nền tảng cho việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel về quy chế cuối cùng. Đây là bước tiến đáng kể và được mong đợi từ lâu. Thỏa thuận cần phải được hoàn thiện. Chính vì vậy, vào thời điểm hiện tại chúng tôi sẽ không nói gì về bất cứ nội dung nào của nó”- John Kerry tuyên bố vào tối thứ sáu (19/7) sau khi từ Bờ Tây sông Jordan trở về Amman.
Tại Bờ Tây, John Kerry có cuộc hội đàm với lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas. Cánh nhà báo tháp tùng John Kerry cho biết, trước chuyến đi Ramallah, Ngoại trưởng Mỹ phải mất 4 tiếng đồng hồ để tham vấn các đại diện của hai bên xung đột và hai lần trực tiếp gặp trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Oreykatom.
Ngày thứ năm (18/7), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề nghị nối lại đối thoại với Palestine và hợp tác với John Kerry. Trong chuyến công du Trung Đông vừa rồi, sáng kiến hòa bình của Ngoại trưởng Mỹ đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt của Liên đoàn các quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự dè dặt của John Kerry cùng những khó xử của Benjamin Netanyahu và Mahmoud Abbas bởi nội bộ hai nước đã để ngỏ câu hỏi: Ai sẽ nhượng bộ để đảm bảo thành công cho nền ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông?
fNgoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah |
Lạc quan và hoài nghi
Không phải đến hôm nay mà hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ Israel - Palestine cứ như là bóng ma ám ảnh bao đời Tổng thống Mỹ. Quan hệ Mỹ - Israel luôn được coi là quan hệ ruột rà. Để tồn tại hòa bình và phát triển vững chắc giữa lòng thế giới Ả Rập, Mỹ và Israel không có con đường nào khác phải giải quyết mối quan hệ vốn được coi là thù địch cả nghìn năm lịch sử. Nhớ lại hồi G.W Bush còn nắm quyền, hội nghị hòa bình Israel-Palesine lớn nhất trong lịch sử được tổ chức tại Pennsylvania với sự tham gia của gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tại hội nghị này, lãnh đạo Israel và Palestine đã cam kết thúc đẩy tiến trình hòa bình nhưng sau đó, mọi chuyện lại quay về vị trí xuất phát: Súng vẫn nổ, máu vẫn chảy và khu định cư Do Thái ở Bờ Tây tiếp tục xây dựng…
Giờ đây, chính quyền Barack Obama lại “bới” lên câu chuyện được coi là vô cùng phức tạp này. Cả Israel và Palestine đều thừa nhận một hội nghị hòa bình sẽ diễn ra ở Washington vào tuần này, nhưng thành công của nó thì còn không ít hoài nghi. Ông Nabil Abu Rudeina - đại diện chính thức của Mahmoud Abbas cho rằng, cuộc đàm đạo cuối cùng giữa John Kerry và Mahmoud Abbas ở Ramallah có mang lại kết quả nhất định, nhưng để nối lại đàm phán hòa bình, các bên phải thỏa thuận bằng những điều khoản riêng. Ông Vasel Abu Yousef - thành viên Ban chấp hành PLO nghi ngờ về “bước đột phá” trong chuyến công du Trung Đông thứ 6 của Ngoại trưởng Mỹ, bởi trong giai đoạn “đàm phán để nối lại đàm phán” các bên có vẻ không mấy hài lòng. “Có lẽ Kerry không muốn ra về tay trắng nên tìm ra một công thức ngoại giao, mặc cho chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo”- Vasel Abu Yousef chia sẻ với hãng thông tấn Ria - Novosti của Nga.
Quả là như vậy. Đầu năm 2012, Palestine và Israel đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp tại Jordan để tìm ra giải pháp cho hòa bình Trung Đông nhưng không có kết quả. Và lần này, nếu họ ngồi được với nhau bên bàn đàm phán thì hàng loạt các vấn đề mà họ không thể giải quyết được trong vòng 20 năm qua như biên giới giữa hai nước, số phận hàng triệu người tị nạn Palestine trên khắp thế giới hay quy chế nào cho Jerusalem, khi cả Palestine lẫn Israel đều coi là thủ đô của mình… sẽ được đem ra mổ xẻ. Theo các nhà phân tích, chỉ cần thỏa thuận được một vấn đề đã khó, giải quyết cả “núi vấn đề” như vậy là không tưởng. Ấy là chưa kể Palestine hiện nay đang bị chia rẽ sâu sắc. Phong trào Hamas ở dải Gaza vừa tuyên bố bác bỏ sáng kiến hòa bình của John Kerry và khẳng định Mahmoud Abbas không thể đại diện cho tất cả người Palestine.
Đàm phán hòa bình Palestine - Israel rất có thể chỉ là món quà hình thức để không làm mất thể diện của Mỹ mà thôi.
Đối thoại hòa bình trực tiếp Israel - Palestine được bắt đầu từ năm 1993, lần cuối cùng bị gián đoạn vào mùa thu năm 2010. Trong suốt thời gian này Israel sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nhưng phủ nhận điều kiện tiên quyết được người Palestine đưa ra rằng phải chấm dứt hoạt động định cư tại các vùng chiếm đóng hoặc thừa nhận biên giới “trước chiến tranh” 1949 - 1967, coi đó là khởi đầu cho việc tìm kiếm thỏa hiệp. |
Duy Long (TH)