Cuộc điều trần được tổ chức nhằm xem xét phản ứng của Washington, trong bối cảnh có các lo ngại rằng Mỹ có thể bị lôi vào một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột lãnh thổ có liên quan tới Trung Quốc do các hiệp định quân sự song phương với Nhật Bản và Philippines.
Tại đây, các nghị sỹ Mỹ đã gọi hành động của Trung Quốc là sự gây hấn nguy hiểm và các động thái đe dọa, khiêu khích để xác nhận tuyên bố chủ quyền biển là không thể chấp nhận được. Không những vậy nó sẽ làm các nước láng giềng mất bình tĩnh và thách thức lợi ích an ninh của Mỹ.
Do vậy, Mỹ cần phải hoàn toàn không khoan nhượng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục dựa vào các kiểu áp lực quân sự để thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Trước đó, ngày 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng nhận định về hành động của Trung Quốc: “Việc hạn chế hoạt động đánh cá của các nước khác trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành vi khiêu khích và có thể gây nguy hiểm".
Bà Jen Psaki nhấn mạnh thêm: "Trung Quốc không hề đưa ra lời giải thích hay cơ sở luật pháp quốc tế nào đối với những yêu sách này. Quan điểm của chúng tôi luôn là các bên cần tránh những hành động đơn phương gây căng thẳng và hủy hoại cơ hội giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình”.
Thậm chí các quan chức ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối đến Chính phủ Trung Quốc.
Người phát ngôn Mỹ cũng nhắc lại rằng lập trường lâu nay của Mỹ là: "Tất cả các bên liên quan cần tránh có các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thằng và cản trở khả năng giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao hay bằng các biện pháp hòa bình khác".
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới này của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.
"Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về đường chín đoạn, để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác.
Với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc" - Ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Bên cạnh đó, ông Gregory Poling – Chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) - nói đây mới chỉ là tuyên bố của chính quyền đảo Hải Nam, nhằm thực thi luật ngư nghiệp Trung Quốc năm 2004.
Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng tuyên bố, sẽ thực thi luật này theo quyền tài phán của họ – tức bao gồm toàn bộ vùng 9 đoạn trên Biển Đông, vốn đã bị thế giới lên án mạnh mẽ.
Giới phân tích đánh giá vùng cấm đánh bắt trên 2/3 Biển Đông mà chính quyền đảo Hải Nam đưa ra là một mưu đồ khác của Trung Quốc, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này đối với vùng biển.
Ngay sau đó, ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi bày tỏ sự không hài lòng và phản đối những nhận xét của phía Mỹ. Mọi người đều biết Trung Quốc là một đất nước được bao quanh bởi cả đất và biển, có bờ biển dài và một số lượng lớn các hòn đảo và rạn san hô".
Bà Oánh nói thêm: "Theo pháp luật quốc tế tương thích và công ước quốc tế phổ quát, cũng như các luật và những quy định quốc gia, chính phủ Trung Quốc có quyền và trách nhiệm quản lý các đảo có liên quan và các rạn san hô cũng như nguồn tài nguyên phi sinh học".
Không chỉ vậy, theo quan điểm của bà Oánh thì trong hơn 30 năm, luật và các quy định thủy sản có liên quan của Trung Quốc đã được thực hiện nhất quán một cách bình thường, và chưa bao giờ gây ra bất kỳ căng thẳng nào.
"Nếu ai đó cảm thấy có nhu cầu nói ra rằng việc sửa đổi có tính kỹ thuật quy định nghề cá địa phương vốn được thực hiện đã cách đây nhiều năm sẽ gây căng thẳng trong khu vực và tạo một mối đe dọa cho sự ổn định khu vực thì tôi chỉ có thể nói rằng nếu điều này không xuất phát từ thực tế thiếu ý thức cơ bản chung thì hẳn phải là một động cơ bí ẩn", bà khẳng định.
Ngày 1/1, chính quyền tỉnh Hải Nam đã đưa vào thực thi luật lệ công bố hồi tháng 11/2013. Theo đó, mọi tàu cá nước ngoài đi vào khu vực hành chính mới do Hải Nam quản lý - bao trùm khoảng 2/3 diện tích Biển Đông - sẽ phải có sự phê chuẩn từ nhà chức trách Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đe dọa sẽ phạt nặng những người không tuân thủ, bao gồm việc bắt giữ và tịch thu trang thiết bị và thủy hải sản, thậm chí là truy tố theo luật pháp nước này.
Theo tờ Freebeacon, động thái của chính quyền Hải Nam chắc chắn sẽ tạo ra những đối đầu mới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có chủ quyền trên Biển Đông.