(GD&TĐ) - Trong bản di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng”. Có thể thấy rõ muôn vàn tình thương yêu của Bác dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vào các ngày khai trường, Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu hay trong một dịp vui thi đua khen thưởng nào đó. Đa số những bài thơ Bác viết cho thiếu niên, nhi đồng là viết vào dịp Tết Trung thu.
|
Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng. Ảnh: Internet |
Phải chăng, vì Tết Trung thu được trẻ em yêu thích nhất với những sắc thái đậm tính dân gian, cổ truyền tươi vui, phù hợp với lứa tuổi. Những bài thơ Bác gửi cho các cháu nhân dịp Tết Trung thu bao giờ cũng rất đỗi mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, chẳng hạn như: “Bác mong các cháu chăm ngoan/Mai sau gìn giữ giang sơn lạc hồng”(1946); Đặc sắc nhất là 2 bức thư Trung thu Bác viết trong 2 năm tiếp theo đó: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng (1951); “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh…(1952).
Hãy trở lại những vần thơ dung dị mà đầy sức thuyết phục như thế của Bác để nhìn nhận, đánh giá lại công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu niên nhi đồng của chúng ta thời gian qua. Có thể khẳng định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ thời điểm nước nhà còn trong giai đoạn gian nan về kinh tế thời bao cấp do hậu quả chiến để lại, tất cả vẫn “vì tương lai con em chúng ta”, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc về mọi mặt. Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới và phát triển, trẻ em càng được chăm sóc tốt hơn, đầy đủ hơn, dường như những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho trẻ em. Không những thế, các em còn được coi là những chủ nhân tương lai đầy hứa hẹn của đất nước.
Tuy nhiên, sự biến đổi lệch chuẩn của xã hội trong cơ chế thị trường cũng đã kéo theo không ít hệ lụy làm ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Các hiện tượng “già trước tuổi” do bắt chước lối sống thiếu lành mạnh của các nghệ sĩ trong phim ảnh, sân khấu; trẻ bỏ học đi làm thêm; trẻ lang thang đi bụi sa vào tệ nạn xã hội… còn khá phổ biến. Tệ hại hơn nữa là tình trạng bạo hành trẻ em không chỉ ở ngoài xã hội mà còn ngay trong một số gia đình, bố mẹ hành hạ chính những đứa con rứt ruột do mình đẻ ra vẫn còn tiếp diễn.
Phải chăng, xuất phát từ những tồn tại nêu trên mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Trung thu 2013 năm nay có nhấn mạnh:
“Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, làm tốt hơn nữa đưa công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, thực hiện ngày càng đầy đủ hơn các quyền của trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước”...
Nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu! Đó là thông điệp hết sức quan trọng cho các nhà trường và các cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm tổ chức Tết Trung thu cho con em chúng ta trong những ngày này.
Hồng Thúy