Muôn kiểu bị xử phạt vì ăn theo nCoV

Muôn kiểu bị xử phạt vì ăn theo nCoV

Muôn kiểu trục lợi

Sau khi dịch viêm phổi do virus Corona lan nhanh, nhiều người đã lùng mua các loại khẩu trang để phòng bệnh. Thông dụng nhất vẫn là các loại khẩu trang y tế nhưng do lượng mua lớn nên nhiều cửa hàng thuốc đã hết hàng.

Lợi dụng tình trạng khan hàng, nhiều hiệu thuốc đã đẩy giá khẩu trang lên tới cả chục lần so với bình thường. Thậm chí, sau khi bị dư luận phản ứng, có chợ thuốc lớn tại Hà Nội đã kêu gọi nhau đồng loạt không bán khẩu trang cho người dân.

Trong khi việc tăng giá khẩu trang ngay lập tức bị kiểm soát thì tình trạng tung tin đồn về virus Corona nhằm tăng lượng tương tác trên mạng qua đó lợi dụng bán hàng là khá phổ biến.

Gần đây nhất, ngày 8/2, Tô Thảo Minh (33 tuổi, Quảng Ninh) dùng tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ video dài hơn 5 phút chứa thông tin thất thiệt về việc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 33 người chết và Hà Nội có 174 trường hợp nhiễm virus Corona.

Còn tại Thanh Hoá, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 31/1 - 6/2, các cơ quan, đơn vị chức năng ở 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện tới 21 trường hợp người dân đăng tải thông tin thất thiệt về virus Corona.

Các thông tin thất thiệt đều đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Chủ yếu với nội dung nói về người nhiễm virus Corona đã xuất hiện trên địa bàn, gây hoang mang cho người dân. Tất cả 21 trường hợp đều được cơ quan công an, hoặc chính quyền địa phương, hoặc ngành y tế khẳng định là thông tin giả, không đúng sự thật.

Đáng ngại hơn, việc tung tin không đúng sự thật còn xuất hiện từ những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội như các ca sĩ, nghệ sĩ. Chỉ trong ngày 26/1, trên trang Fanpage Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin hai người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông tin này sau đó đã được xóa bỏ, chỉ còn giữ lại các chia sẻ mang tính cảnh báo về nguy cơ gây bệnh.

Còn nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ trên trang cá nhân: “Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7...”. Tiếp đó, cô kêu gọi khán giả mua và dùng khẩu trang lọc khí thông minh AirPlus “cho an toàn”.

Tương tự, sáng 31/1, diễn viên Ngô Thanh Vân cập nhật trạng thái trên Fanpage về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus Corona trong khi trước đó Cục Hàng không đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại. Chia sẻ này của nữ diễn viên đã bị cộng đồng mạng phản ứng.

Lợi dụng dịch bệnh

Liên quan tới việc tăng giá khẩu trang khi tình hình dịch bệnh lan rộng, chuyên gia kinh tế Lê Hoàng phân tích, tâm lý đám đông đã vô tình góp phần đẩy giá khẩu trang lên cao. “Trong các phiên giao dịch thì người tiêu dùng luôn rơi vào thế bị động do không được tiếp cận với nguồn hàng” - Th.S Hoàng nói.

Theo Th.S Hoàng, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng đang lùng mua một loại hàng “hot”, các đầu mối chỉ cần bỏ tiền gom hết hàng, đẩy loại hàng đó rơi vào tình trạng “cháy” thì giá tự nhiên được đẩy lên. “Khẩu trang cũng không nằm ngoài các quy luật đó” - Th.S Hoàng khẳng định.

Còn quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi. Thậm chí người khoẻ mạnh có thể không cần đeo khẩu trang. Chính vì vậy, tâm lý hoang mang của người dân vô tình đã làm khẩu trang y tế trở nên khan hiếm.

Đối với các thông tin sai sự thật về Corona, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ được giao cùng với Bộ Công an để phối hợp xử lý. Chúng tôi nắm được thông tin các địa phương rất quyết liệt trong xử lý các đối tượng tung tin giả.

Đủ cách xử phạt

Ngay sau khi có thông tin khẩu trang tăng giá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt thậm chí rút giấy phép hoạt động của các hiệu thuốc tăng giá khẩu trang. Chỉ trong 3 ngày từ 31/1 - 2/2, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 1.221 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết thêm, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Corona nhiều đối tượng đã tung tin giả.

“Bộ Công an đã phối hợp với các địa phương làm quyết liệt, Cơ quan chức năng đã triệu tập hơn 170 để xử lý, yêu cầu các đối tượng gỡ bài viết, đăng tải thông tin chính xác và các đối tượng đều cam kết không tái phạm. Với những trường hợp không hợp tác sẽ củng cố hồ sơ, có đủ điều kiện sẽ xử lý hình sự” - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.

Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, Luật sư Giang Hồng Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết việc tung các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang cho cộng đồng nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang đang bùng phát là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Các hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay. Xét về mặt đạo đức xã hội, đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được khi trực tiếp gây tâm lý hoang mang cho người dân, đặc biệt là với những nghệ sĩ có lượng theo người dõi lớn trên mạng xã hội.

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết đã mời nữ diễn viên Cát Phượng, ca sĩ Ngô Thanh Vân và Đàm Vĩnh Hưng tới làm việc.
Hành vi đưa tin về virus Corona bị đánh giá là vi phạm Điểm 3 Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo luật, họ bị xử phạt hành chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ