Muốn khởi nghiệp thành công, phải rèn dưỡng ý chí

GD&TĐ - Hiện nay vấn đề nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp luôn được các bạn học sinh, sinh viên hết sức quan tâm, trăn trở. Đó vừa là nhu cầu, vừa là nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ nói chung và của các bạn học sinh, sinh viên nói riêng. 

Muốn khởi nghiệp thành công, phải rèn dưỡng ý chí

Vậy làm thế nào để giúp học sinh, sinh viên lựa chọn cho mình một con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp với khả năng, trình độ, điều kiện hoàn cảnh của mình trong tương lai. Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) xung quanh vấn đề này.

Dù lựa chọn những con đường khởi nghiệp khác nhau nhưng các bạn học sinh, sinh viên luôn có chung một khát vọng là được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể biến ước mơ khởi nghiệp thành hiện thực lại là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ và xã hội còn đang trăn trở. Thưa PGS.TS Võ Văn Minh, liệu các bạn trẻ có nên lựa chọn bước khởi nghiệp từ học đại học?

- Hiện nay, trong xã hội có một số lượng lớn người đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm. Nhiều người đặt câu hỏi có nên bắt buộc phải vào học đại học hay không? Với góc nhìn của người làm công tác đào tạo bậc đại học, tôi vẫn khuyên các em học sinh nên sáng suốt cân nhắc kỹ và lựa chọn tương lai của mình. Tất cả chỉ là tham khảo. Theo tôi, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng nó lại là con đường rộng nhất và ngắn nhất.

Vậy ông có những lời khuyên gì cho các bạn trẻ khi lựa chọn con đường khởi nghiệp từ trường đại học?

- Đã qua rồi cái thời kỳ kinh tế dựa vào sức lao động hay dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chúng ta đang sống ở thời kỳ kinh tế dựa vào tri thức và sắp tới đây cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra 1 làn sóng rất mạnh làm thay đổi thế giới, nếu các em không được đào tạo bài bản ở trình độ trên phổ thông chắc chắn sẽ khó khăn để thích ứng với sự thay đổi đó.

Tất nhiên, các em cần phải xác định rõ năng lực của mình, tìm hiểu kỹ về trường đại học và ngành học mà các em mong muốn học. Đừng quan niệm học đại 1 trường đại học nào đó có bằng rồi hãy tính. Hầu hết các trường đại học hiện nay đều có website, các em có thể tìm hiểu thông tin ở đó. Chất lượng của nhà trường cũng có thể đánh giá qua các kênh truyền thông khác nhau, các trường đã được kiểm định và công bố đảm bảo chất lượng cũng là 1 trong những tiêu chí đảm bảo độ tin cậy. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải nằm ở trường đại học hay Giáo sư đại học mà chính là ở chỗ các em. Học đại học là học cho các em, là tương lai của các em không phải của bố mẹ, gia đình các em và càng không phải là thương hiệu cho các trường, khoa đại học.

Trong xã hội hiện nay nói chung và các trường phổ thông trung học nói riêng, công tác hướng nghiệp chưa được chú trọng, hoặc chưa đủ khả năng hướng nghiệp… nên học sinh rất lúng túng trong chọn ngành/nghề để học. Vì thế vấn đề tìm việc làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ sau khi được đào tạo trên giảng đường đại học cũng là điều mà các bạn trẻ đặc biệt quan tâm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thật ra, không ít các trường đại học hiện nay cũng chưa định hướng nghề nghiệp tốt cho người học. Tất nhiên điều đó là chưa phù hợp với thị trường giáo dục, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại. Về phía các em sinh viên nên xác định đúng đắn việc học. Học đại học không giống như đi nghe ca nhạc. Đi xem ca nhạc để thưởng thức và có thể khen, chê ca sĩ nếu hát hay hay dở. Còn học đại học không phải mục đích để thưởng thức, để đánh giá giảng viên giỏi hay dở mà là để học cho mình. Sau khi chọn đúng ngành học mà mình ưa thích, hãy hình dung ra cái đích sau khi tốt nghiệp mình sẽ như thế nào, sẽ làm gì? Ít nhất cũng phải nghĩ đến vài 3 nhân vật mà mình sẽ trở thành. Nếu gặp khó khăn thì tìm hiểu những người đi trước, tìm hiểu trên Internet…

Nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo, quy định đào tạo, quản lý của nhà trường, lập kế hoạch học chi tiết và tự kiểm soát các hoạt động của mình. Đầu tư nghiên cứu kỹ các khoa học cơ bản, là cái gốc của mọi vấn đề. Các nguyên lý, định luật đó còn quan trọng hơn nhiều so với các công nghệ, kỹ thuật hiện đại và là nền tảng cho sự phát triển về sau. Đồng thời phải lập kế hoạch trau dồi ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động xã hội... Tất cả đều rất quan trọng và có một số cơ hội rèn luyện chỉ có duy nhất thời sinh viên, đừng để mất cơ hội. Học đại học cũng là môi trường thiết lập các mối quan hệ, đó là cơ hội kết nối thành công trong tương lai mà không dễ gì có được.

Xin trân trọng cám ơn ông!

 “Mong ước của chúng tôi - những người làm công tác đào tạo – là được đồng hành cùng các bạn, hợp tác cùng các bạn trẻ để hướng tới những bến bờ xa hơn. Các bạn trẻ thành công trong sự nghiệp thì tương lai của đất nước cũng ngày càng sáng lạng hơn” - PGS.TS Võ Văn Minh – Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.