Muốn khen cũng không dễ

GD&TĐ - Hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, có thể nói là một sự kiện lạ. Không phải ở quy mô, mà nằm vào tính chất.

Muốn khen cũng không dễ

Việc không hài lòng với các văn bản quy phạm pháp luật (ở đây chỉ riêng trong lĩnh vực kinh doanh) khá phổ biến, nhưng công khai “chê” một cách trực diện thì e rằng khó, mà tìm cái để “khen” thì thì lại càng khó hơn rất nhiều.

Theo lý giải của VCCI, kết quả cuộc bình chọn sẽ chỉ ra 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất đối với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả cuộc bình chọn là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc làm cho môi trường kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt; đồng thời cảnh báo về những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói cách khác, đây sẽ là gợi ý cho các cơ quan Nhà nước nhìn nhận lại các quy định và tiến hành rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xác định lại các tiêu chí để xây dựng lại các quy định một cách hiệu quả.

Kỳ vọng là một chuyện. Còn thực tế lại là chuyện khác hẳn. Nói đến hệ thống văn bản ở nước ta là nói đến bất cập. Thế nên không ngạc nhiên khi phát biểu tại hội thảo khởi động này, TS Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tìm kiếm 10 cái xấu thì quá dễ, trong khi tìm kiếm 10 cái tốt thì hơi khó.

Lý do là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong kinh doanh của Việt Nam vẫn còn thiếu mục tiêu. Thậm chí theo chuyên gia này, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về cơ bản vẫn “tồi”, mặc dù đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận với các tiêu chuẩn của thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặt ra.

Điều đó cũng dễ hiểu, khi mà thẳng thắn nhìn vào thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong các văn bản pháp luật của Việt Nam rất ít văn bản có xác định mục tiêu thúc đẩy phát triển; mà chỉ có mục tiêu chung là quản lý, từ cơ quan Nhà nước áp đặt xuống. Văn bản pháp luật phải có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học rõ ràng, trong khi văn bản Việt Nam phần lớn thiếu hai cơ sở này, trong khi những quy định góp phần… cản trở việc kinh doanh thì không hề hiếm.

Thẳng thắn hơn nữa, TS Nguyễn Đình Cung còn cho rằng, khâu tổ chức thực hiện các quy định cũng không tốt. Quy định pháp luật hiện nay đang theo hình phễu. Luật mở nhưng các nghị định, thông tư đều bóp lại dẫn đến việc các nghị định, thông tư được tuân thủ nhiều hơn.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, văn bản quy phạm phải rõ ràng, đơn giản đối với người sử dụng và phải tương thích với sự cạnh tranh, thuận lợi thương mại; nhất là sớm loại bỏ được tư duy quản lý điều hành vẫn chi phối trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hiện nay.

Hẳn cũng vì những lẽ đó mà tại hội thảo được chú ý này, một số đề cử quy định tốt nhất và tồi nhất đã được đưa ra khá ngập ngừng và không thống nhất. Xem ra, được sự nhất trí cao về quy định tốt nhất chỉ là việc bãi bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự hay quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20%.

Còn những quy định tồi nhất, chỉ vài thảo luận đã nhất chí đến… hàng chục. Một trong số đó là việc hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được quy định trong Thông tư 20/2014/TT-BKHCN, quy định đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua và đã được dừng thực hiện trước khi đến thời điểm thi hành.

Từ đó, có thể nói rằng, cho dù kết quả của cuộc bình chọn này (kéo dài đến 22/1/2016) như thế nào chăng nữa thì đây cũng là dịp nói thẳng một cách công khai của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế về những bất cập của hệ thống các quy định pháp luật trong kinh doanh hiện nay. Đó có lẽ mới là mục tiêu tốt nhất, khả thi nhất của cuộc bầu chọn được đánh giá là có phần táo bạo này của VCCI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ