Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần có nền giáo dục 4.0

GD&TĐ - Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu không được toàn thể cho hệ thống GD-ĐT, thì cũng cần phải đạt đến trình độ đó ở những khâu quan trọng, đặc biệt là ở giáo dục ĐH.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thảo luận tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 ngày 6/12.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thảo luận tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 ngày 6/12.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, từ góc độ của ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có một số ý kiến thảo luận.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng: Về mặt quan điểm, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch cả tầm vĩ mô dài hạn và ngắn hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ. Có con người phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt.

Tuy nhiên, phát triển con người nhưng vẫn phải bảo đảm các năng lực, kĩ năng mà đất nước cần ở từng giai đoạn và đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Làm được vậy thì phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0. Nếu nền giáo dục không đạt được trình độ như vậy thì khó kì vọng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không được toàn thể cho hệ thống giáo dục-đào tạo, thì cũng cần phải đạt đến trình độ đó ở những khâu quan trọng, đặc biệt là ở giáo dục đại học.

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thách thức đối với ngành Giáo dục - Đào tạo thực sự rất lớn, bởi vừa phải củng cố những yếu tố mang tính nền tảng, tối thiểu; vừa phải thực hiện hiện đại hóa toàn bộ nền giáo dục và chuyển đổi số giáo dục-đào tạo. Trong chuyển đổi số, các khâu, yếu tố như con người, thể chế, tư duy là cực kì quan trọng và mang tính quyết định; nhưng tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy cơ sở vật chất đang là khâu cần phải ưu tiên trước tiên.

Đưa quan điểm trên, liên quan đến nội dung trao đổi, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ một số công việc ngành Giáo dục sẽ ưu tiên trong năm 2022. Đầu tiên là thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học; trong đó phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kĩ thuật, đặc biệt là nhóm đào tạo về IT và AI, để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng.

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kĩ thuật và công nghệ. Cần tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp với các trường đại học.

“Trước mắt, ngành Giáo dục triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kĩ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là một giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học đào tạo quay trở lại được bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho năm 2022, 2023” – Bộ trưởng cho biết thêm.

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Cùng dự Diễn đàn tại điểm cầu chính có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các Bộ trưởng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân trong nước và quốc tế.

Dự Diễn đàn theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và 30 điểm cầu quốc tế có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương, đại sứ các nước tại Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, địa phương của một số quốc gia…

Tại Phiên toàn thể, các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ