(GD&TĐ) - Một tấm thiệp mời với hình ảnh người mẫu bán khỏa thân; Một bộ ảnh “nude để thiền”; Một CD âm nhạc với lời lẽ dung tục… Đó là hàng loạt sự kiện đang gây tranh cãi và xôn xao dư luận. Nghệ thuật và phi nghệ thuật tồn tại ranh giới mong manh. Chính vì vậy, nhiều người đang “núp bóng” nghệ thuật để làm những điều phi nghệ thuật.
Núp bóng nghệ thuật
Chương trình “Đêm hội chân dài 7” chưa diễn ra nhưng đã gây chú ý bởi tấm thiệp mời “nhức mắt” với hàng loạt người mẫu in trên bìa tấm thiệp đều trong tư thế bán nude. Mặc dù người mẫu đứng ở nhiều góc khác nhau, tạo các thế đứng che đậy phần nhạy cảm trên cơ thể song tấm thiệp vẫn khiến cho nhiều người nhìn thấy phải lắc đầu về sự táo tợn, trơ trẽn trong ý tưởng thiết kế. Không ít người còn đặt câu hỏi, thiệp mời đã phản cảm như vậy thì nội dung chương trình liệu sẽ ra sao? Thiệp mời phải chăng chính là “tuyên ngôn” cho những gì sắp diễn ra của chương trình?
Ai đó có thể quan niệm tấm thiệp mời đầy phản cảm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam này chỉ là hình ảnh bán nude nghệ thuật quá bình thường so với hàng loạt hình ảnh mà người mẫu, diễn viên trong nước đã từng “cởi bỏ” quần áo để gây chú ý, để nổi tiếng với những lý do đơn giản như “Khỏa thân vì môi trường”, “Khỏa thân vì động vật”... Song xét cho cùng tấm thiệp mời này cũng thuộc một phần của chương trình. Và hơn thế, nó sẽ được gửi tới cho nhiều người, cho số đông để quảng bá rộng rãi, nó như “bộ mặt” của chương trình thì hình ảnh bán nude được đưa lên đầy khiêu gợi phản cảm là không thể chấp nhận được. Và dẫu có giải thích gì thì cũng chỉ có thể coi đây như những chiêu trò PR rẻ tiền, lố bịch phản cảm, thiếu sáng tạo.
Tấm thiệp mời bán nude |
Gây phản cảm không kém, thậm chí là “sốc” hơn tấm thiệp mời bán nude của chương trình “Đêm hội chân dài 7” là bộ ảnh “nude để thiền”. Với bức ảnh một cô gái khỏa thân uốn éo tìm cách dụ dỗ “thầy chùa” đang ngồi thiền trong hốc núi khiến người xem thấy đầy những dung tục phản cảm. Theo thông tin ban đầu thì những bức ảnh trên nằm trong dự án “Thoát” gồm 12 bức ảnh của nhà phong thủy Huệ Phong. Mặc dù ý tưởng của “thiền sư” là đặt mình vào những cám dỗ mạnh mẽ nhất để vượt qua được bản chất nhưng hình ảnh da thịt lộ liễu ấy lại hoàn toàn không mang tới được thông điệp đó dù nhỏ nhất.
Theo phân tích của giới chuyên môn thì bức ảnh không chỉ trần trụi về thị giác mà những hình ảnh này còn gây choáng váng với ý tưởng liều lĩnh khi gắn với yếu tố tôn giáo. Trước nay ai cũng hiểu, thiền là phải nhẹ nhàng, thư thái chứ không thể là sự lộ liễu bon chen như bức ảnh thể hiện. Hơn nữa, người trong hình tượng “nhà sư” (ông Huệ Phong) mặc dù không phải người nhà Phật nhưng lại thể hiện mình trong tướng mạo của nhà sư sẽ gây nhận thức sai về Phật pháp, hiểu nhầm về Giáo hội Phật giáo... Không những thế, cách thể hiện của người được chụp đầy sắp đặt, gượng gạo, thể hiện góc máy non kém. Toàn bộ bức ảnh chỉ toát lên sự dung tục, trần trụi mà không có bất cứ biểu hiện nào của sự tĩnh tại, thanh thản của người nhà Phật.
Có thể thấy, từ tấm thiệp mời bán khỏa thân của chương trình “Đêm hội chân dài 7” đến bức ảnh “nude để thiền” chỉ mang đến một cảm nhận về những chiêu PR gây “sốc” tầm thường của những con người đang “núp” bóng nghệ thuật. Vẫn biết trong nghệ thuật thì sự sáng tạo là cần thiết song mọi sự sáng tạo xét cho cùng không thể vì tự do mà có thể đi ngược với thuần phong mĩ tục, giá trị đạo đức của những người cảm nhận và hưởng thụ nghệ thuật.
Văn hóa hay phi văn hóa?
Trong khi dư luận chưa hết “nóng” về những sản phẩm mượn danh nghệ thuật đầy phản cảm với những hình ảnh nude thì CD “Thằng Mõ 1 – Cái nường 8X” của nhạc sĩ Ngọc Đại với nội dung nhạy cảm, nhảm nhí, ngôn từ tục tĩu lại tiếp tục thổi bùng lên sự phản ứng của dư luận về những sản phẩm được gọi là văn hóa mà vô cùng phi văn hóa.
Sản phẩm âm nhạc “chui” của Ngọc Đại |
Mặc cho dư luận phê phán nội dung đĩa “Thằng Mõ 1 - Cái nường 8X” vì sự dị biệt đến không thể chấp nhận được của một sản phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Ngọc Đại, người vừa phổ nhạc, phối khí, vừa thể hiện ca khúc và cũng là người tự tay bán CD này lại khá thản nhiên trước phản ứng kể trên.
Nhạc sĩ Ngọc Đại cũng cho biết, ngay khi bắt tay vào phổ nhạc thơ của tác giả Nguyễn Đình Chính và Bùi Chát để làm đĩa CD, anh đã biết là có gửi duyệt cũng không được. Nhưng nhạc sĩ Ngọc Đại lại muốn ước mơ của mình phải được thực hiện, vì thế, anh tự mình làm từ A đến Z. Cũng theo nhạc sĩ Ngọc Đại thì chỉ sau một tháng tự bán CD “Thằng mõ 1 - Cái nường 8X” cho người quen, thân hữu, 1.000 bản in ra đã chỉ còn khoảng 60 bản. Vì thế, giá đĩa của “Thằng mõ 1” ban đầu chỉ là 100.000 đồng, giờ đã được tăng lên 150.000 đồng. Lướt qua danh sách bài hát được in trên bìa đĩa cũng đủ khiến nhiều người e dè, bởi những cái tên quả là xa lạ với văn hóa số đông hiện thời. Trái với nhận xét của số đông, nhạc sĩ Ngọc Đại một mực phủ nhận những ý kiến cho là ca từ của anh dung tục, dị hợm, mà: Đó là sự tự do tuyệt đối trong âm nhạc. Các ngôn từ không hề tục tĩu. Nếu ai bảo đó là tục thì họ không hiểu chiều sâu của ca từ. Đó chỉ là những từ ngữ thể hiện năng lượng của sự duy trì nòi giống...
Thế nhưng nếu chỉ đơn giản như nhạc sĩ Ngọc Đại phát ngôn thì không thể ngẫu nhiên đến ngay cả những người bạn rất quí mến anh cũng chối từ việc mua đĩa. Thậm chí, như nhạc sĩ Ngọc Đại cho biết thì những người vốn sát cánh với anh trong bộ 3 “Đại - Lâm - Linh” cũng ngần ngại khi anh đề nghị thể hiện. Cuối cùng, vì nể lắm nên Lâm - Linh mới đồng ý thể hiện một bài khá là an toàn là “Cánh đồng cỏ khô”. Nhưng rồi, vì những lý do gì đó, mà cả 2 lại đều từ chối.
Mặc dù chưa cần xem xét kỹ nội dung của CD “Thằng Mõ 1- Cái nường 8X” nhưng chỉ với hai tiêu đề ca khúc kiểu như “Khuyến mại tình dục và Cái nường 8X” cùng những ca từ vô cùng phản cảm như: cởi truồng, phóng đạn đi, bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, tè he trên giường... thì không thể gọi đây là nghệ thuật (cho dù ở dạng dị biệt nhất).
Được biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đã khẳng định, đây là một đĩa nhạc tự phát hành cho cá nhân, nếu chỉ để cá nhân lưu giữ thì không vi phạm. Còn nếu tự phát tán dù dưới bất cứ hình thức nào (cho, tặng hay bán) đều vi phạm theo Nghị định 79 của Chính phủ. Trước mắt, Cục sẽ xem xét nội dung CD, sau đó có ý kiến chính thức và liên hệ với các Sở VHTT&DL ngăn chặn việc phát tán, phối hợp với thanh tra các sở thu hồi sản phẩm này. Cục cũng sẽ phối hợp với Sở VHTT&DL Hà Nội sớm có buổi làm việc với nhạc sĩ Ngọc Đại.
“Chưa bàn đến nội dung dung tục, chỉ riêng việc nhạc sĩ Ngọc Đại phát hành băng đĩa, cho dù là cho, tặng hay kinh doanh mà không xin phép thì đã vi phạm Nghị định 79 về Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Mà đã vi phạm thì sẽ phải xử phạt!” - Ông Phạm Đình Thắng, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định xung quanh việc nhạc sĩ Ngọc Đại phát hành không phép CD “Thằng Mõ 1- Cái nường 8X”. |
Thái Hà