Mười lăm năm Bút Phương Đình Tháp

Mười lăm năm Bút Phương Đình Tháp

(GD&TĐ) - Đó là một vế trong 2 câu đối mà GS Vũ Khiêu, Anh hùng lao động, người Bạn lớn của CLB thơ nhà giáo đã viết tặng Câu lạc bộ thơ trong dịp tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (1997 – 2012).

Năm nay ông 97 tuổi vẫn tới dự buổi họp mặt rất thân mật cùng các đại biểu và gần 200 hội viên của CLB. Nhìn ông chống gậy bước lên bục để phát biểu và đọc đôi câu đối tặng CLB thơ, giọng vẫn ấm trong, mà lòng tôi dâng lên niềm cảm phục, tự hào vì đất nước nghìn năm văn hiến của chúng ta thời nào cũng có những con người trí thức lớn tâm huyết như vậy.

Đôi câu đối được lồng khung kính trang trọng: “Mười lăm năm Bút Phương Đình Tháp/ Muôn dặm tình Thơ Cổ Nguyệt Xuân”. Mới đọc chúng tôi chưa hiểu hết ý sâu xa của hai câu đối. Giáo sư giải thích rằng, Phương Đình là tên hiệu của Nguyễn Siêu, còn Cổ Nguyệt là tên hiệu của Hồ Xuân Hương. Dùng tên hiệu của 2 nhà thơ tài danh của nước ta để nói về thành tích hoạt động của một CLB thơ là một cách đánh giá rất cao, rất đặc biệt của ông đối với CLB thơ nhà giáo. Trước đó, năm 2007, nhân kỷ niệm 10 năm CLB thơ nhà giáo, Giáo sư Vũ Khiêu đã có 2 câu đối tặng: “Mười năm Thi phẩm cao tâm ý/ Muôn dặm Thu hương đậm nghĩa tình”. Năm 2010, ông cũng có 2 câu đối tặng CLB: “Chín tập Thi san, ngọn bút nghiên sư tràn hào khí/ Nghìn năm Văn hiến, tấm lòng giáo chức rạng cao phong”. Những tình cảm của GS Vũ Khiêu dành cho CLB thơ nhà giáo như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ và hội viên CLB vững vàng, kiên trì tiếp bước trên con đường mà các nhà giáo đã chọn, vì sự nghiệp trồng người.

Hình ảnh buổi kỷ niệm
Hình ảnh buổi kỷ niệm

Các đại biểu về dự cuộc gặp mặt kỷ niệm đều có những cảm nhận chung là: ấn tượng và vui vẻ, ân tình và sâu sắc. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội phát biểu đánh giá cao các sáng kiến tìm tòi hình thức hoạt động để xây dựng và phát triển CLB thơ nhà giáo 15 năm qua, cho rằng phương châm 16 chữ “Sân chơi tự nguyện, Tổ chức tình cảm, Lớp học văn chương, Diễn đàn xã hội” của CLB thơ nhà giáo là rất phù hợp với hoạt động các câu lạc bộ văn thơ hiện nay. Ông mong muốn sẽ có các hình thức quảng bá hình ảnh và cách thức hoạt động của CLB thơ nhà giáo trong các CLB văn học nghệ thuật của Hà Nội.

Nhạc sỹ Hoàng Lân, Chủ nhiệm CLB VHNT Xứ Đoài, cùng một số vị đại diện CLB thơ bạn có dịp phát biểu, bày tỏ hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ cách tổ chức các buổi sinh hoạt thơ gắn với hoạt động của Thư viện Hà Nội, từ việc xuất bản các tập thơ hàng năm với sự giúp đỡ của NXB Giáo dục VN, cho đến hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập CLB cũng có hình thức tổ chức riêng, không theo lối mòn, mà liên tục sáng tạo, đem đến cho các hội viên và đại biểu khách mời những niềm vui xen lẫn tình cảm dạt dào, thôi thúc tình yêu với thơ ca, tình yêu và trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, và với cuộc sống của đất nước.  

Mọi người rất ấn tượng khi xem các tiết mục văn nghệ do chính các hội viên của CLB thơ biểu diễn. Tiếp theo là rất ấn tượng về bài “báo cáo tổng kết” - một bài nói chuyện hấp dẫn của nhà giáo Trần Thân Mộc- chủ nhiệm CLB thơ. Ông không đọc báo cáo tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển CLB thơ nhà giáo, như những báo cáo ta vẫn thường nghe, mà ông đi tới đi lui, đi qua đi lại, vừa đi vừa nói, ông đi tới từng vị đại biểu bắt tay, giới thiệu, nói đôi điều ngắn gọn ân tình về sự quan tâm giúp đỡ của các vị khách đối với CLB thơ. Ông trình bày các hoạt động của CLB xen lẫn đọc thơ minh họa, khiến mọi người chăm chú lắng nghe, như đang nghe một liên khúc thơ-văn với giọng đọc truyền cảm. Đôi lúc giọng ông trầm bổng như đang hát, như đang say, không phải là say rượu, mà là say tình thơ, say tình đời, cái say của nhà giáo đã gửi trọn niềm tin yêu vào cái nghề giáo chức, cái nghề trồng người.

Một buổi sáng đầu xuân, một cuộc gặp mặt có hẹn trước của những nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng đầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Họ hẹn nhau về đây, về cơ quan Bộ GD&ĐT để gặp nhau đầm ấm thân tình, để kỷ niệm 15 năm CLB thơ của mình. Họ không bàn về dạy học trên lớp, mà trao đổi và giao lưu về thơ. Những tác phẩm thơ in chung, in riêng trong các năm qua được trưng bày ra mấy cái bàn ngoài hành lang để bạn bè cùng ngắm, cùng đọc. Những tập thơ mới xuất bản còn thơm mùi giấy mực, có cả bài thơ phô tô, bài viết tay còn tươi màu mực, họ mang đến tặng nhau, trao cho nhau cả nụ cười sảng khoái. Qua những bài thơ giàu cảm xúc, ý thơ hay, câu thơ tài hoa, lóe sáng mà họ gắn với nhau ngày một thân thiết hơn. Họ chụp ảnh lưu niệm, tay bắt mặt mừng...đúng là, với họ “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”...

Và tôi biết, họ vẫn say sứa hát tiếp “bài ca sư phạm”, “bài ca người giáo viên nhân dân”.

Văn Đình Ưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ