Mục tiêu đầy tham vọng của ngành sản xuất đồ uống

GD&TĐ - Bộ Công Thương vừa công bố Quyết định số 3690/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên cơ sở cân đối sản xuất và tiêu thụ giữa các vùng trên cả nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp; đồng thời ngăn ngừa lạm dụng đồ uống có cồn.

Mục tiêu đầy tham vọng của ngành sản xuất đồ uống

Theo Bộ chủ quản, ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam phát triển ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao và đa dạng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập toàn cầu, theo hướng bền vững, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển đến năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 35%); 6,8 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD. Năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 40%); 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD. Năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 50%); 15,2 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.

Giá trị sản xuất của ngành đến các năm 2020, 2025 và 2035 lần lượt đạt: 90.500 tỷ đồng, 113.540 tỷ đồng và 167.920 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của toàn ngành bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8 %/năm; giai đoạn 2021 - 2025 là 4,6 %/năm và giai đoạn 2026 - 2035 là 4,0%/năm. Năng lực sản xuất bia sẽ chuyển dịch theo hướng tăng ở các vùng hiện nay sản lượng còn thấp so với dân số như vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Đến năm 2025, cơ cấu tỷ lệ sản lượng bia của vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 7% (trong đó Đông Bắc Bộ 2%; Tây Bắc Bộ 5%); Đồng bằng sông Hồng 23,3%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 24,8% (trong đó Bắc Trung Bộ 15%; Nam Trung Bộ 9,8%); Tây Nguyên 4%; Đông Nam Bộ 31,4%; ĐBSCL 9,5%.

Sản lượng rượu sẽ tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung sẽ phát triển các loại vang, rượu hoa quả. Các vùng còn lại chủ yếu là rượu trắng và rượu pha chế, kết hợp với tinh chế các sản phẩm rượu làng nghề truyền thống địa phương.

Đến năm 2025, cơ cấu sản lượng rượu của từng vùng trên cả nước sẽ là: Trung du và miền núi phía Bắc 9,5% (trong đó Đông Bắc Bộ 4%; Tây Bắc Bộ 5,5%); Đồng bằng sông Hồng 29,5%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 17% (trong đó Bắc Trung Bộ 5%; Nam Trung Bộ 12%); Tây Nguyên 7,5%; Đông Nam Bộ 22,5%; ĐBSCL 14%.

Bộ Công Thương dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 27.325 tỷ đồng, trong đó ngành bia là 17.704 tỷ đồng, ngành rượu là 791 tỷ đồng và ngành nước giải khát là 8.831 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 là 28.752 tỷ đồng, trong đó: Ngành bia là 15.660 tỷ đồng, ngành rượu là 341 tỷ đồng và ngành nước giải khát là 12.750 tỷ đồng.

Dự tính nguồn vốn đầu tư được huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, vốn từ nguồn phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ