Với 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi, mục tiêu cũng như thước đo chất lượng HS ở các bậc học đã có tính định lượng rõ rệt, điều này sẽ tác động nhiều đến chất lượng chương trình của từng môn học.
Đảm bảo được GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) rất tin tưởng về tính khả thi của chủ trương phân luồng của trong Dự thảo Chương trình GD phổ thông mới (CTGDPTM) vừa được công bố. Theo phân tích của cô Kim Vân, với chương trình GD hiện nay, sự phân luồng chưa thực sự rõ, dự thảo vừa công bố đã giải quyết được điều này.
“Từ thực tế của quá trình tư vấn hướng nghiệp cũng như hướng dẫn HS làm hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi thấy rằng, không chỉ HS mà ngay cả phụ huynh cũng không xác định được sở thích, nguyện vọng cũng như năng lực của chính bản thân con em mình, chứ chưa nói đến những vấn đề xa hơn như nhu cầu nghề nghiệp của xã hội” - cô Kim Vân dẫn chứng. Trong khi đó, muốn định hướng nghề nghiệp được tốt, ở lớp 10, HS phải được làm quen với một số nghề cơ bản trong xã hội, hình thành được hứng thú nghề nghiệp trong HS, xác định được sở thích cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của bản thân.
Cũng có cùng quan điểm, thầy Thái Quốc Khánh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (H. Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết, việc chia hai giai đoạn GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp, trong đó năm lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp của giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp là hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi. Theo thầy Khánh, thường thì bắt đầu lớp 11, HS mới định hình rõ hơn về việc chọn ngành, nghề.
Với chủ trương “nội dung các môn học ở lớp 10 giúp HS có cách nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học và có những hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, hiểu vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học, nghệ thuật trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn GD cơ bản, tạo điều kiện để HS nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó có hứng thú đối với môn học và định hướng lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp, thì việc định hướng nghề nghiệp sẽ có hiệu quả rõ rệt hơn.
Không nên đặt quá nặng về kiến thức
Cô Trần Thị Kim Vân bày tỏ sự đánh giá cao với việc giao cho các trường THPT xét tốt nghiệp cho HS: “Dư luận cho rằng, nếu trao quyền cho các trường THPT xét tốt nghiệp thì sẽ có hiện tượng “cấy điểm” hoặc là khả năng đánh giá của các trường không được khách quan. Thế nhưng, cùng với việc giao cho các trường THPT xét tốt nghiệp thì sẽ phải có tiêu chí rõ ràng cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ. “GV bao giờ cũng có tâm lý đề cao tầm quan trọng của môn học mà mình giảng dạy, nên nhìn chung, rất “chặt” trong kiểm tra, đánh giá để HS không lơ là trong học tập. Nếu BGH “bật đèn xanh” cho GV “phóng” điểm thì sẽ rất khó trong chỉ đạo chuyên môn vì GV sẽ để cho chất lượng rơi tự do, HS cũng sẽ chủ quan trong học tập” – cô Kim Vân phân tích.
Thầy Thái Quốc Khánh lại cho rằng, một khi đánh giá HS dựa vào 10 năng lực và 6 phẩm chất thì thang đánh giá đã cụ thể, rõ ràng hơn, việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các trường là cần thiết vì trước đây, khi chưa cân bằng giữa định lượng và định tính trong đánh giá thì cần phải có các kỳ thi để có thước đo chung. “Tất nhiên, để GV mạnh dạn hơn trong kiểm tra, đánh giá và việc đánh giá HS thực chất hơn, ngành GD nên thay đổi cách đánh giá thi đua của GV thì thay vì đưa tiêu chí khống chế tỉ lệ yếu kém của HS vào trong thi đua của từng GV” - thầy Khánh cho biết.
Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Kim Vân thì khi biên soạn sách giáo khoa mới, ban biên soạn “đừng ôm đồm, đặt nặng kiến thức quá. Muốn HS phát triển kỹ năng được tốt thì dung lượng kiến thức phải ít lại thì GV mới có thời gian đầu tư để HS hình thành và phát triển kỹ năng được. Giáo viên hiện nay hầu như không dám lược bỏ phần nào trong giảng dạy dù đã xác định được kiến thức trọng tâm vì tâm lý nếu như mình chỉ lướt qua hoặc cho HS tự học, sẽ rất thiệt thòi cho HS nếu đề thi có câu hỏi rơi đúng phần đó”.
“Nghiên cứu kỹ Dự thảo khung CTGDPTM, chúng tôi rất tin tưởng vào tính khả thi của việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này. Tất nhiên, để thành công, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như sự thích ứng của đội ngũ giáo viên” – cô Kim Vân chia sẻ. Chính vì vậy, Ban giám hiệu Trường THPT Tôn Thất Tùng đã giới thiệu cho toàn thể hội đồng sư phạm về Dự thảo để nghiên cứu, chuẩn bị tinh thần tiếp cận cũng như có những góp ý nếu cần thiết.
“Sự đổi mới trong tư tưởng của các thầy cô giáo mới là vấn đề. Các thầy cô giáo phải hình dung được trong hai năm tới, việc giảng dạy của mình sẽ phải được điều chỉnh, đổi mới như thế nào, các kỹ năng gì cần đạt được để có khả năng thích ứng tốt. Chẳng hạn như với kỹ năng tích hợp, giáo viên nào cũng cần phải có chứ không chỉ dừng lại ở một vài thầy cô giáo nghiên cứu sâu để thao giảng, dự thi…” - cô Kim Vân kiến nghị.