(GD&TĐ) - Tuy không phải là “xương sống” của một giáo án nhưng phần mục tiêu bài dạy có ý nghĩa quan trọng trong việc soi đường chỉ lối để làm nên thành công tiết dạy.
Theo dõi sát sao sự tiếp thu của HS |
Sợi chỉ xuyên suốt
Khi chuẩn bị cho một tiết dạy, GV thường chú trọng nhiều đến tiến trình tổ chức dạy - học vì đó là phần trọng tâm của một giáo án lên lớp. Tuy nhiên, đó không phải là khâu duy nhất bởi đằng sau nó còn có nhiều “miếng lót” để tạo nên vôi vữa cho “ngôi nhà” tri thức được dựng lên. Lấy ví dụ, phần “mục tiêu bài dạy” tuy không lộ diện trong giờ lên lớp nhưng đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới, vì thế cả hai đối tượng không được bỏ qua và xem nhẹ. Mặc dù đây là phần sau khi học xong bài yêu cầu các em nắm được nhưng nó phải được coi là “sợi chỉ dài” xuyên suốt từ đầu đến cuối thời gian 45 phút. Không đi ra ngoài quỹ đạo của phương pháp luận về dạy học đại cương, mục tiêu bài học luôn đặt ra 3 tiêu chí: yêu cầu về giáo dưỡng, giáo dục và nhận thức. Như vậy, trước hết nhiệm vụ của chúng ta là phải truyền thụ tri thức mới cho các em HS thông qua tài liệu, sách vở đặc biệt là SGK. Từ việc mở rộng tầm nhìn về kiến thức cho người học, GV tìm cách lồng ghép và hướng tới những định hướng về tư tưởng tình cảm. Và cũng từ đó, HS sẽ lớn khôn hơn về thao tác rèn luyện kỹ năng phân tích đánh giá, thực hành. Trong bài 32 “Cách mạng công nghiệp ở Châu Âu” dạy cho chương trình Lịch sử lớp 10, cô Nguyễn Kim Dung - GV Trung tâm GDTX Q.3 - TP.HCM-rất chú trọng đến phần “Mục tiêu bài dạy”, dù rằng theo cô đó chỉ là “thành phần phụ” của một giáo án có 4 trang giấy. Đây là một tiết dạy có “bề dày” về dung lượng kiến thức nhưng trong phần “Yêu cầu về kiến thức”, GVBM chỉ “gạch đầu dòng” 3 ý ngắn gọn. Như vậy có thể coi đây là các con đường lớn mà nội dung bài học chính là “đi sâu vào ngõ ngách của từng con hẻm nhỏ”.
Chuẩn bị cho bài “Ánh sáng và việc đôi mắt” cô Huỳnh Ngọc Liên - GV Trường tiểu học An Hội - Q. Gò Vấp -TP.HCM thực hiện yêu cầu giáo dục một cách chu đáo dù đây là môn Khoa học lớp 4. Thái độ: “Không có hành động sai trái đối với bản thân và người khác khi sử dụng ánh sáng dễ nhìn. Biết bảo vệ mắt và phòng tránh các tác hại do ánh sáng mạnh gây ra” chính là tư tưởng, tình cảm mà các em sẽ “gặt hái” được qua tiết học tưởng như đơn điệu và khô khan. Mặc dù mục tiêu bài học môn GDCD nặng về khâu bồi dưỡng tư tưởng tình cảm và điều chỉnh thái độ cho HS nhưng GVBM rất chú trọng đến kỹ năng nêu và giải quyết vấn đề, cách thức tổ chức và thảo luận nhóm trong từng tiết học. Tất cả nhiều điều đó cho thấy, chúng ta phải biết quan tâm và để ý tới các tiêu chí mà mục tiêu bài học đã dặt ra “ nhiệm vụ lịch sử” lớn lao và nặng nề. Qua loa, đại khái và coi thường là thái độ cần tránh khi chuẩn bị cho một tiết dạy bình thường.
Tuy nhiên để thực hiện nó được một cách “thuận buồm xuôi gió” không phải chuyện đơn giản. Thầy L., GV dạy Địa lý ở Q. Tân Phú TP.HCM, cho biết do mới ra trường nên khi soạn phần này tuy đơn giản nhưng lại “khó ăn” nhất, mặc dù khi còn là SV sư phạm thì phần lý thuyết đã “thuộc như cháo”: “Thời gian đầu chưa quen, tôi cứ nhầm lẫn giữa giáo dục và giáo dưỡng, nếu nhập làm 1 thì cũng không được mà tách làm 2 là cứ lộn hoài”.
Hiệu ứng trông thấy
Tiết dạy với những minh họa sinh động |
Cô Nguyễn Thị Lan - GV Trường THPT Thanh Đa - TP.HCM khẳng định: “So với các bộ môn khác, môn Ngữ văn có thuận lợi hơn trong việc bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức và tình cảm cho các em qua các tiết Giảng văn”. Tuy nhiên theo cô Lan, đây là phần mục tiêu bài dạy khó “đi tới đích” nhất đối với 2 phân môn còn lại là Làm văn và Tiếng Việt. Nếu GV thiếu tư duy và ít độ dày kinh nghiệm thì khó mà “bước qua” được. Ngược lại, đối với các thầy cô dạy các môn KHTN thì phải khéo léo và thuần thục thì mới “gánh vác” dược phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cho các môn Toán, Lý, Hóa và cả Sinh, Địa, Công nghệ nữa.
Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng bằng lòng với những gì mình đã có nhất là trong dạy học. Không ít SV sư phạm đi thực tập và GV trẻ “thiết kế” mục tiêu dạy học theo kiểu “làm cho có” mà lại không quan tâm tới hiệu quả cần đạt thành công hay thất bại như thế nào? Cách làm đó lại càng không được tha thứ cho những GV có thâm niên đứng lớp khi “kinh nghiệm đã cao hơn đầu”. Không chỉ biết “xây dựng” các tiêu chí một cách chỉn chu, các thầy cô tâm huyết với nghề thường biết đào sâu suy nghĩ để tìm ra một “đích ngắm” khoa học và phù hợp đối tượng nhất trong khi thực hiện các mục tiêu bài học. “Cao thủ” hơn, nhiều “cây đa cây đề” trên bục giảng còn biết bám vào “nhịp thở cuộc sống” và thực tế địa phương để có một bài học hay để lại nhiều dư âm lắng đọng trong nhận thức suy nghĩ của người học, qua con đường vận dụng và khả năng tích hợp khéo léo tài tình. Làm được như vậy, dù phần “Mục tiêu bài học” dù là “thành phần phụ” rất khiêm tốn nhưng hiệu ứng về đổi mới phương pháp dạy học thì không hề nhỏ chút nào. Vì thế, chúng ta sẽ sai lầm nếu bỏ qua phần thực hiện này khi bắt tay vào công việc soạn giáo án.
Nguyễn Dung