Mức độ cao nhất, có thể bị xử lý hình sự

Mức độ cao nhất, có thể bị xử lý hình sự
(GD&TĐ) - “Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, thi tốt nghiệp THPT năm nay có môn Thể dục, Giáo dục công dân, Công nghệ…” là nội dung trên báo mạng chiều ngày 23/3 gây xôn xao dư luận. Ngay sau đó, báo Giáo dục và Thời đại điện tử (gdtd.vn) đã đăng tải ý kiến phản hồi từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng – người phát ngôn của Bộ GD&ĐT - khẳng định đây là thông tin không chính xác. Hiện tại Bộ GD&ĐT chưa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. 
Thông tin sai lệch trên báo mạng chiều ngày 23/3/2013. (Ảnh chụp màn hình)
Thông tin sai lệch trên báo mạng chiều ngày 23/3/2013. (Ảnh chụp màn hình)
Trong vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2013 trên các nguồn tin chính thống và sẽ có văn bản gửi các Sở GD&ĐT cũng như các cơ quan truyền thông. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng.
Giả giao diện báo mạng VnExpress, nhưng thực chất là trang web chưa rõ nguồn gốc có địa chỉ http://ledaiphat.com/cong-bo-6-mon-thi-tot-nghiep-2013.html đăng tải nội dung “Bộ GD&ĐT đã quyết định chính thức 6 môn thi tốt nghiệp năm 2013” khiến không ít người đọc hoang mang. 
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Trong vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2013 nhằm thông tin chính xác đến các học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên và lãnh đạo các nhà trường THPT trên toàn quốc. 
Ngay sau phản hồi của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử (gdtd.vn) trang web nhái trên đã từ chối truy cập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc điều tra, xử lý vụ việc như thế nào để tránh diễn ra tình trạng đưa tin thất thiệt về giáo dục gây tâm lý hoang mang trong xã hội. 
Được biết Bộ GD&ĐT hiện đang phối hợp cùng các ban, ngành liên quan chấn chỉnh việc đưa tin, nội dung liên quan đến giáo dục trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, sẽ bàn các giải pháp nhằm quản lý một cách khoa học việc đăng tải những thông tin liên quan đến giáo dục trên báo chí, trang mạng…
Trước vụ việc vừa qua, theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng, Bộ sẽ xem xét, phân tích các khía cạnh để đưa vào Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục những nội dung sát với thực tiễn giáo dục hiện nay. 
Một lãnh đạo Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) khẳng định, việc đăng thông tin không đúng sự thật trên mạng Internet, theo quy định chắc chắn phải xử lý. Tuy nhiên, phải xem xét mức độ sai phạm, thông tin gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Ở đây, cần xem xét hai hành vi: Tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho dư luận; Hành vi làm giả, làm nhái (xây dựng giao diện nhái giao diện của báo điện tử VnExpress). 
Tuy nhiên, đây chỉ là một website cá nhân, không thuộc dạng trang tin được cấp phép, không phải trang tin tổng hợp hay website cơ quan báo chí. Việc thông tin nội bộ, thông tin cá nhân không đúng hay thất thiệt không phải là ít, điển hình như trên các blog. Do đó cần xem xét xem có cá nhân, đơn vị nào đó khiếu nại về việc thông tin đó gây hậu quả xấu cho họ hay không. Nếu có cá nhân, đơn vị khiếu nại về sai phạm của website, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông sẽ là đơn vị thanh tra, kiểm tra và xử lý. Mặt khác, theo nhận định ban đầu, người đưa thông tin này lên nhằm mục đích trêu đùa cho vui mà không nghĩ đến hậu quả: Phía cuối  bài viết đã đăng dòng lưu ý bằng chữ đỏ: “Bài viết cá nhân, mang tính chất giải trí dành cho lũ bạn cùng lớp trước ngày 1/4”. Điều cần xem xét tiếp là một số trang mạng, diễn đàn, mạng xã hội có tư cách đã vội vã lấy và phát tán thông tin này mà không lưu ý đến dòng chữ đỏ này và cũng không thẩm tra lại thông tin (nhất là từ một trang cá nhân) 
Trao đổi với báo Giáo dục &Thời đại, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét, thực tế nhiều vụ án mà đối tượng tung hoang tin gây mất an ninh trật tự, hoang mang trong dư luận quần chúng và thậm chí gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn về kinh tế. Trong những trường hợp đối tượng tung ra hoang tin, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích chung mà còn xâm phạm ảnh hưởng đến con người cụ thể thì sẽ bị xử lý hình sự Điều 122. Những đối tượng tung ra hoang tin nhưng chưa đến mức độ xử lý hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 - Điều 7 Nghị định 73/2010. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét về mức xử phạt tại Nghị định 28/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, Nghị định 02/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, xử phạt theo Bộ luật Dân sự, tùy thuộc mức độ và việc khiếu nại của bị hại...
Còn theo LS Nguyễn Đăng Việt (Công ty Luật Bizconsult), việc đưa thông tin sai sự thật về các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có tính chất nghiêm trọng hoặc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, như tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226 của Bộ luật Hình sự. Các cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra để xác minh, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ đề nghị viện kiểm soát khởi tố vụ án và truy tố bị can. 
Gia Hân - Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ