Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính

Xuân quê hương

Nếu mùa xuân trong thơ Xuân Diệu là bức tranh mơn mởn, tươi non như là thực thể vật chất nhằm thỏa mãn khát vọng hưởng thụ của một thi nhân sôi nổi, hăm hở, vội vàng, cuống quýt tận hưởng hương sắc trần gian thì mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính là những nét dung dị, chân chất, mộc mạc, thơ mộng đằm thắm, thiết tha đậm hồn dân tộc.

Đọc thơ Nguyễn Bính, độc giả được thưởng thức đầy đủ và trọn vẹn không khí xuân của đất Bắc với những hạt mưa xuân tháng Giêng: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân), hay: Ta đi khuất nẻo đường làng/ Mặc cho mưa bụi ướt tràng áo xanh (Xuân về).

Sắc tím hoa xoan cùng những hạt mưa bụi lất phất, dịu dàng như “đặc sản” của đất Bắc trong thời khắc đất trời chuyển giao. Những hạt mưa bụi phảng phất, nghiêng nghiêng như làm chênh vênh cả không gian, giăng trên con đường làng ướt nhòe. Từng hạt mưa xuân phơi phới, li ti thấm ướt tràng áo xanh dịu dàng khoác lên đất trời tấm màn voan mỏng.

Trong thế giới màu sắc rộn ràng của thơ xuân Nguyễn Bính đẹp nhất hình ảnh của một mùa xuân xanh: Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao, lá ở cành/ Lúa ở đồng trên và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh (Mùa xuân xanh). Bài thơ phác họa gam màu xanh kì diệu tạo ấn tượng tươi tắn, trong trẻo, tinh khôi. Màu xanh trở thành gam màu chủ đạo bao trùm toàn bộ không gian, những điệu xanh liên hoàn, không trùng lặp. Màu xanh ở trên trời cao, sà xuống thấp với lá và thấp hơn nữa, rồi mở ra theo chiều rộng, theo cái mênh mông của đồng lúa rập rờn. Mùa xuân là cả một mùa xanh là thế!

Thơ Nguyễn Bính còn là những bức tranh sinh động về con người, cây cỏ, quê hương mỗi độ Tết đến xuân về: Tháng Giêng vừa Tết đầu xuân/ Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam/ Mưa xuân rắc bụi quanh làng/ Bà già sắm sửa hành trang đi chùa (Cây đàn tì bà). Cái náo nức của lòng người hòa quyện với mát rượi của mưa xuân, sắc xanh của lá mạ, trắng ngần của hoa cam. Xuân sang ngõ xóm, đường làng, thửa vườn, hàng cây và cả lòng người nữa tất thảy đều bừng dậy sức sống.

Mùa xuân trong cảm quan Nguyễn Bính mang nguồn sống mạnh mẽ, khỏe khoắn: Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón tươi vui/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (Thơ xuân), hay: Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong... (Xuân về).

Niềm vui ngày xuân hiện diện trong không gian từng nhà, đặc biệt là trong ánh mắt, nụ cười, trong những tấm áo mới, trên đôi má hồng. Sự nhận diện sắc xuân trong thơ Nguyễn Bính thật đặc biệt, độc đáo. Tín hiệu mùa xuân không chỉ có trong cái rộn rã của đất trời, trong sự đâm chồi nảy lộc của cây cối mà hơn hết mùa xuân hiện hữu trong từng ánh mắt, màu má của những cô gái. Mùa xuân của Nguyễn Bính là sự hòa quyện, đan cài của xuân đất trời và xuân lòng người.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến mùa xuân mà không nói tới rượu xuân. Với Nguyễn Bính, xuân sang nâng chén rượu nồng. Nếu những chén rượu giang hồ kết đọng buồn tủi, nhớ thương, đắng đót thì chén rượu xuân đem lại những niềm hân hoan hiếm hoi trong thơ Nguyễn Bính: Mẹ tôi uống hết một cốc rượu/ Mặt người đỏ tía vì hơi men (Tết của mẹ tôi) và: Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào nối chén bút đề thơ (Thơ xuân). Nhưng cũng có những chén rượu xuân gắn với khoảnh khắc buồn, là nỗi đau khi nâng chén rượu chia li tiễn người yêu đi lấy chồng: Cao tay nâng chén rượu hồng/ Mừng em: Em sắp lấy chồng năm nay (Rượu xuân).

Nhà phê bình Hoài Thanh từng quả quyết: Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng. Trong phong trào Thơ mới, Đoàn Văn Cừ là bậc thầy trong khả năng tái hiện chân thực sinh hoạt ngày Tết. Song với những vần thơ xuân, Nguyễn Bính cũng không khỏi khiến thế hệ độc giả cảm thấy nao nao, xúc động khi hòa cùng không khí xuân với những nếp sinh hoạt quen thuộc, gần gũi trong ngày Tết cổ truyền dân tộc: Sáng mùng Một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đậm hương (Tết của mẹ tôi).

Sinh hoạt ngày Tết trong thơ Nguyễn Bính là phong tục, nề nếp đậm phong vị cổ truyền với hành động mở hàng, mừng tuổi, thắp hương, khai bút, chơi tam cúc… Mùa xuân còn là mùa của lễ hội, đình đám với những đêm hát chèo: Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào đôi chén bút đề thơ/ Những bà tóc bạc hiền như Phật/ Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa (Thơ xuân).

Hay: Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Hình ảnh người đi chùa náo nức/ Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng nam mô. Cách ăn mặc, trang điểm của các cô gái, sự náo nức của lòng người, bầu không khí hân hoan, tấp nập trong hội làng trở thành những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống nuôi dưỡng bao tâm hồn người dân quê.

Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa, mùa của hạnh phúc viên mãn. Bởi thế, xuân trong thơ Nguyễn Bính không chỉ có sắc xuân mà còn có tình xuân với đủ đầy các cung bậc. Đó là tin xuân, ý xuân phấp phỏng, phơi phới trong lòng người con gái thôn quê: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”/ Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ tới anh (Mưa xuân).

Sự lỗi hẹn của chàng trai làm trái tim cô gái chớm nở đã vội tàn: Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng (Mưa xuân). Dẫu vậy, cô gái vẫn không nguôi tắt một niềm hi vọng: Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây/ Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ/ Để mẹ em rằng: Hát tối nay? Nếu cảnh xuân trong thơ Nguyễn Bính là những bức tranh giản dị, mộc mạc, sinh động thì tình xuân trong thơ ông là bản nhạc với đủ đầy các trạng thái tình cảm, cảm xúc: Hồi hộp, háo hức, e ấp, ngại ngùng, mong chờ, nhớ thương như sợi thoi tơ trong khung cửi, như những giọt mưa xuân trong hội chèo, những cánh hoa xoan rụng khi xuân đã cạn ngày. Phải chăng bởi thế Vũ Quần Phương đã xác quyết: Ngòi bút Nguyễn Bính có biệt tài diễn tả những mối tình quê thơ và mộng.

Xuân trong thơ Nguyễn Bính không ồn ào, náo nhiệt, không rực rỡ sắc màu mà dung dị, thanh thoát, đằm thắm, thiết tha. Nguyễn Bính đã gọi hồn cốt mùa xuân đất Bắc mỗi độ Tết đến xuân về đúng như cách mà thi sĩ từng bộc bạch: Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy.

Hoa xoan, một hình ảnh đẹp trong thơ xuân của Nguyễn Bính. Minh họa từ IT
 Hoa xoan, một hình ảnh đẹp trong thơ xuân của Nguyễn Bính. Minh họa từ IT

Xuân tha hương

Nỗi niềm hoài hương khi phải sống xa cách, lênh đênh là cảm thức chung của rất nhiều thi sĩ. Nguyễn Trung Ngạn trên đường đi sứ sang Trung Quốc từng cảm khái: Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về (Quy hứng). Hay Huy Cận thổn thức: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Tràng giang) và với thi nhân Lý Bạch: Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ quê xưa (Tĩnh dạ tư). Nỗi buồn, nỗi sầu li hương là mẫu số chung của các thi nhân ở mọi không gian, thời gian.

Nguyễn Bính đã trải qua những năm tháng tha hương từ Hà Nội nghìn năm văn hiến, lúc ngược tàu lên Phú Thọ, đến cố đô Huế cổ kính rồi dời vào Sài Thành hoa lệ. Gần hai mươi năm trời sống biền biệt trong cảnh tha hương, tâm hồn chân quê ấy luôn thường trực khắc khoải, da diết nỗi nhớ cố hương. Những tháng ngày lang bạt ấy, Nguyễn Bính đã để lại cho đời những vần thơ lắng đọng, ngậm ngùi, tủi hờn, xót xa: Giang hồ sót lại tình tôi/ Quê người đắng khói, quê người cay men (Anh về quê cũ).

Hay Chén rượu tha hương trời: đắng lắm/ Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông (Xuân tha hương). Mặc cảm tha hương, lưu lạc đeo đẳng suốt đời thơ Nguyễn Bính về sau. Nỗi hoài hương càng đậm nét hơn mỗi độ Tết đến xuân về. Nhà thơ Nguyễn Bính có hẳn cả một chùm thơ nói lên tâm sự của những kẻ li hương với Xuân nhớ, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân về nhớ cố hương, Tết biên thùy… Đó là những vần thơ đầy tê tái, xót xa của một lữ khách nhớ quê.

Mùa xuân là mùa của sum vầy, đoàn tụ bởi thế cảm thức li hương trong những ngày xuân đậm bao nỗi niềm: Quán trọ xuân này hoa lại nở/ Lại ngồi xem Tết, Tết người ta (Quán trọ). Với Nguyễn Bính, mùa xuân không có sum vầy, đoàn tụ, đầm ấm thì không còn Tết đúng nghĩa. Mặc dù có xuân hiện hữu trong đất trời, trong lòng mọi người nhưng với thi sĩ đó chỉ còn là Tết người ta. Mùa xuân bơ vơ nơi xứ lạ trong không gian quán trọ chỉ còn đọng lại nỗi niềm khắc khoải đến xót xa: Chao ơi, Tết đến em không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng (Xuân tha hương).

Đó là cái tình của một thi sĩ lênh đênh trong những tháng ngày xa cách. Xúc cảm não nùng trong những ngày tha hương là biểu hiện của sự khát khao sum vầy mãnh liệt, thiêng liêng, nhớ thương đong đầy trong khoảnh khắc Tết đến, xuân về. Có lẽ cũng bởi vậy mà trong thi phẩm này, bảy lần thi nhân nhắc đi nhắc lại điệp khúc: Tết này chưa chắc em về được. Chưa về được hay là niềm khao khát được về, được tận mắt chứng kiến xuân quê hương.

Lòng tưởng vọng quê hương, tình hoài hương lai láng, bàng bạc giăng thành những vần thơ sầu cảm. Và phải chăng, căn nguyên của sự khao khát ấy xuất phát từ chiêm nghiệm: Lênh đênh tóc rối cỏ bồng/ Chiều ba mươi Tết ai không nhớ nhà (Xuân về nhớ cố hương). Những vần thơ cất lên tiếng hát tình quê ấy của thi sĩ đã thức gợi tình cảm trong mỗi người quê xa xứ lênh đênh góc bể chân trời.

Tha hương mỗi dịp Tết đến, xuân về không chỉ có nỗi niềm nhớ thương khắc khoải, day dứt mà còn phải nếm trải nỗi cô đơn kiệt cùng: Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió/ Xuân này em chị vẫn tha hương/ Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ/ Son sắt say hoài rượu bốn phương (Xuân vẫn tha hương). Mỗi năm Tết đến lại nhẩm thầm ghi dấu thêm một năm nữa tha hương, lòng nặng trĩu day dứt buồn thương. Nỗi nhớ, niềm thương, sự cô đơn và nỗi đau thân phận kết đọng nhiều nhất trong câu thơ: Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ.

Sự nhận thức về không gian trong và ngoài gắn liền với không gian quê hương và tha hương; chia li và sum họp, đầm ấm và lạnh lẽo… của một kẻ lạc loài, bơ vơ nơi đất khách quê người. Mùa xuân quê hương trở thành kí ức, hoài niệm trong tâm hồn lữ khách: Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang/ Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng/ Sáng nay sực tỉnh sầu đô thị/ Tôi đã về đây rất vội vàng (Sao chẳng về đây).

Cô quạnh nơi quán trọ, thi sĩ khôn nguôi nhớ về phiên chợ Tết, cánh đào thắm, đôi câu đối ở xóm mạc thôn quê… rồi sực tỉnh ngỡ ngàng nhận chân ra nỗi cô đơn nơi đất khách lúc xuân về. Để chống chọi với nỗi buồn cô quạnh, bơ vơ, thi nhân tìm đến rượu nhưng rượu thì đắng mà thơ vẫn suông: Chén rượu tha hương! Trời, đắng lắm (Xuân tha hương).

Tâm trạng lưu đày, bế tắc, nỗi cô đơn, lòng sầu xứ, thê lương của kiếp tha hương, đặc biệt trong những ngày Tết đến, xuân về mang tới cho các thi phẩm của Nguyễn Bính hơi thở buồn thương, chua chát, đốt nóng lên trong những dòng thơ thi nhân niềm khát vọng hồi hương mãnh liệt, cháy bỏng: Đất Bắc phải đâu là đất khách/ Sao lòng mãi nặng mối tình quê (Xuân nhớ).

Trong những tháng ngày “giang hồ” trên mọi nẻo đường đất nước, ngọn lửa khát vọng trở về quê hương chưa bao giờ nguôi tắt trong lòng thi sĩ. Mãi nặng mối tình quê chính là khát vọng hồi hương, là tấm tình trung hậu của một người con xa quê hay cũng chính là tình quê, tình đời của một hồn thơ “quê mùa” Nguyễn Bính: Xuân về những nhớ cùng thương/ Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi/ Chiều ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà/ Tôi còn lận đận phương xa/ Để ăn cái Tết thật là vô duyên (Hành phương Nam).

Những vần thơ tha hương của thi sĩ Nguyễn Bính vừa ẩn chứa nỗi niềm đắng đót, buồn tủi, day dứt của một người con xa quê nhưng hơn hết nó còn là khát vọng, tình yêu tha thiết với quê nhà. Càng xa xôi cách trở càng nhớ thương đồng quê, càng “ra tỉnh” thì càng khát khao trở về.

*   *   *

Xuân của quê hương hay xuân tha hương với Nguyễn Bính vẫn vẹn nguyên tình cảm gắn bó, tha thiết với quê nhà. Thơ Nguyễn Bính đủ đầy các cung bậc của mùa xuân: Có sự rộn ràng của đất trời, của lòng người, sự chân thực bức tranh xuân ở làng quê Bắc Bộ và cả nỗi lòng khắc khoải, day dứt của kiếp tha hương mỗi dịp Tết đến.

Tình quê của tâm hồn thiết tha ấy là hằng số văn hóa, là căn tố tạo nên giá trị nhân văn trong thơ Nguyễn Bính. Mùa xuân và Tết là nguồn thi hứng, là những ám ảnh khôn nguôi và cũng là duyên nợ, là định mệnh của người thi sĩ tài hoa. Nguyễn Bính ra đi vào chiều 29 Tết Bính Ngọ (1966) ở tuổi còn phơi phới sức xuân nhưng người thi sĩ ấy đã kịp để lại cho đời Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.

Trong phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính là nhà thơ chiếm lĩnh được tâm hồn, tình cảm của một số lượng độc giả lớn cả ở nông thôn lẫn thành thị mà có lẽ chưa có nhà thơ lãng mạn nào cùng thời có được. Làm nên sức hấp dẫn đặc biệt ấy là bởi thi sĩ đã đem đến cho vườn thơ Việt Nam hiện đại một chất giọng riêng: Dung dị, hồn nhiên, cái trong trẻo bản năng rất xa lạ với những cầu kì đẽo gọt mà cốt lõi của nó như nhà văn Tô Hoài từng cảm nhận: Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ